Coi trọng đào tạo nhân lực để từ kỳ tích sông Hàn làm nên kỳ tích sông Hồng

"Xác định những cơ hội và thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đề ra những giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ mới, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam", đó là khẳng định tại "Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017".

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017.

Với mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 (The Global Human Resources Forum 2017) được tổ chức ngày 14 - 15/12, tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 300 nhà quản lý, hiệu trưởng các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các Tổ chức văn hóa và giáo dục trong và ngoài nước.

Diễn đàn do và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Thời báo Kinh tế Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hà Quốc Kim Sang-kon; ông Jaime Jaime Saavedra, Giám đốc cao cấp giáo dục, Ngân hàng thế giới; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Phùng Xuân Nhạ đã dự diễn đàn.

Diễn đàn có chủ đề "Từ kỳ tích sông Hàn đến kỳ tích sông Hồng". Theo đó, phía Hàn Quốc chia sẻ các bài học kinh nghiệm đã đưa đất nước này từ một nước nghèo vào cuối những năm 1950 trở thành một con rồng châu Á vào đầu những năm 1990 và tạo nên "Kỳ tích sông Hàn".  

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Mới đây, ngày 11/11/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, tại cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tin rằng sự chia sẻ của Hàn Quốc về Kỳ tích sông Hàn cùng với sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ, cần cù lao động của nhân dân Việt Nam, chắc chắn sẽ mang Việt Nam đến với “Kỳ tích sông Mekong”. Vì vậy, ở diễn đàn này, tôi rất kỳ vọng rằng các bạn Hàn Quốc sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm để Việt Nam đạt được kỳ tích như đất nước của các bạn.  

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Ở bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ quốc gia nào nguồn nhân lực cũng là yếu tố trung tâm, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đứng trước nhiều thách thức mới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ làm thay đổi bản chất một số loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa. Một phần lao động của con người được thay thế bằng máy móc, trí tuệ nhân tạo. Để đáp ứng yêu cầu này, các quốc gia cần phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng nhận thức cơ bản. Việt Nam cũng vậy, chúng tôi luôn coi trọng vai trò và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực và đang nỗ lực chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây.

Chúng tôi được biết một trong những lý do quan trọng đưa Hàn Quốc đi đến thành công là chiến lược phát triển nguồn nhân lực xuất sắc của mình. Thu hút tài năng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, không chỉ trong khu vực tư nhân mà cả khu vực công để đáp ứng cạnh tranh toàn cầu là mục tiêu mà chính phủ Hàn Quốc đặt ra. Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong đó đặc biệt là Hàn Quốc - đất nước vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chúng tôi cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thông qua giáo dục và đào tạo, chúng tôi đang từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng của nhân lực Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao trong các ngành trọng điểm đạt trình độ của các nước tiên tiến”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Kim Sang-kon tin rằng Việt Nam có những điểm tương đồng với Hàn Quốc, khi thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là một trong những yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế.

Ông cũng tin, trong hai ngày diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia và đại biểu Việt Nam sẽ nhận được những chia sẻ có giá trị từ phía Hàn Quốc. Các bên sẽ cùng nhau xác định rõ những cơ hội và thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, đề ra những giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ mới. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam cũng như quy mô quốc tế. Cũng như, sớm đưa Việt Nam thực sự đến với “Kỳ tích sông Hồng”.

Cùng đi với Phó Thủ tướng Hàn Quốc Kim Sang-kon là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng của 15 trường Đại học lớn của Hàn Quốc như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Kookmin, Đại học Dankook, Đại học Hàn Quốc Sejong Campus, Đại học du lịch Kangwon...

Diễn đàn là cơ hội để các nhà lãnh đạo những đại học hàng đầu của Việt Nam và các nhà quản lý từ các Bộ ngành, các chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam nhận được những chia sẻ có giá trị từ phía Hàn Quốc.

Các bên sẽ cùng nhau xác định những cơ hội và thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đề ra những giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ mới, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam cũng như trên quy mô quốc tế. Sớm đưa Việt Nam thực sự đến với “Kỳ tích sông Hồng”.
 

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là quan hệ đối tác chiến lược. Số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2016, Việt Nam có 8.293 du học sinh tại Hàn Quốc, chiếm 7,8% trong tổng số lượng du học sinh nước ngoài tại Hàn Quốc 96.357 người, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.

Xét theo loại thị thực, số du học sinh nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc theo diện visa du học là 76.949 người (chiếm 73,2%), visa học tiếng Hàn là 28.238 người (chiếm 26,8%). Hàn Quốc rất chú trọng đến đầu tư kinh tế vào Việt Nam. Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc hàng năm vào khoảng 10.000 người. Vì vậy, nhu cầu phát triển tiếng Hàn Quốc và đào tạo nghề rất lớn.


Lê Sơn/Báo Tin tức
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Tập đoàn FPT, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học công nghệ Sydney (UTS) đã ký thỏa thuận hợp tác trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN