Cô giáo người Nùng ‘gieo chữ’ ở miền Đông đất đỏ

Về xã vùng xa Tân Phước của huyện Phú Riềng (Bình Phước), nhiều thế hệ học sinh từng học ở đây vẫn còn nhớ như in người “lái đò” tận tụy - cô giáo Mã Trà Quyên (42 tuổi), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú.

Chú thích ảnh
Cô Mã Trà Quyên đã trở thành tấm gương sáng về hình ảnh người giáo viên yêu nghề, mến trò. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Hơn 13 năm công tác ở vùng đất đỏ miền Đông, cô giáo người dân tộc Nùng đã để lại hình ảnh người giáo viên yêu nghề, mến trò trong lòng nhiều lớp học sinh cũng như người dân địa phương nơi đây.

Những ngày cuối năm này, cô Mã Trà Quyên cùng các học trò lớp 5.1 đang miệt mài “luyện chữ” để bước vào kỳ thi học kỳ. Đức tính giản dị, mộc mạc, tận tình trong giảng dạy đã tạo nên hình ảnh riêng của cô ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú.

Cô Mã Trà Quyên sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cao Bằng. Hơn 10 năm là giáo viên Trường tiểu học Cải Viên (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), năm 2008, cô Quyên chuyển công tác vào Bình Phước và theo nghề “gieo chữ” cho đến nay.

Trong giờ lên lớp cũng như cuộc sống ngoài đời, cô Quyên rất giản dị, hòa đồng, nên học sinh rất quý mến. Em Lê Quốc Khang, học sinh lớp 5.1 cho biết: "Trong các buổi học ở lớp, em cũng như nhiều bạn khi chưa hiểu bài thường hỏi liền để cô giảng giải cho hiểu hơn. Cô luôn chỉ bảo rất tận tình. Em rất thích thú khi đến tiết học của cô. Ngoài giờ trên lớp, cô hiền lành và tốt với mọi người."

Hơn 13 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người của tỉnh Bình Phước, trong đó có Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú, cô Mã Trà Quyên cần mẫn truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho học sinh bằng cả trái tim, cả tấm lòng, hết mực quan tâm yêu thương học trò. Cô kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh hiểu bài và tiếp thu bài một cách nhanh nhất.

Cô Mã Trà Quyên bộc bạch: “Bản thân tôi là người dân tộc Nùng nên tôi cũng thấu hiểu những khó khăn của các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nên khi đứng lớp giảng dạy, đối với lớp học có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, tôi luôn tạo cho các em vui vẻ hứng khởi khi đến lớp, tổ chức trò chơi cho học sinh trong những giờ ra chơi... Trong quá trình giảng dạy, tôi mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các thầy, cô đi trước, tích cực tham gia các cuộc thao giảng, dự giờ đồng nghiệp để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, từ kinh nghiệm chuyên môn tích lũy hàng năm”, cô Quyên chia sẻ thêm.

Cách truyền đạt của cô Quyên đã giúp học sinh hứng thú hơn khi đến lớp đến trường, đảm bảo được sĩ số, chưa năm nào có học sinh bỏ học. Cô đã giúp các em học sinh ôn luyện qua nhiều kỳ thi, có em đã đạt giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh khi tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”. Tiết mục tập thể của điểm trường cũng đạt giải Nhất cấp huyện, giải Khuyến khích cấp tỉnh...

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú ở địa phương có 3 điểm trường, nhiều con em là người dân tộc thiểu số theo học, trong đó học sinh dân tộc S’tiêng chiếm hơn 48%. Do trình độ dân trí của một số phụ huynh chưa cao, đường xá đi lại khó khăn, một số học sinh tiếp thu chậm, kinh tế gia đình không ổn định... dẫn đến tình trạng học sinh không muốn đến trường. Nhưng cô Quyên luôn gần gũi, thân thiện, lắng nghe các em chia sẻ về gia đình, mong muốn của bản thân, giúp các em "giữ lửa" bám trường, bám lớp. Bên cạnh đó, cùng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, Ban Giám hiệu nhà trường, cô luôn duy trì được sĩ số lớp, các em hào hứng trong học tập và rèn luyện.

Hơn 23 năm miệt mài “gieo chữ”, cô Mã Trà Quyên đã mang tâm huyết, kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu thương lan tỏa đến nhiều thế hệ học sinh. Tấm lòng nhân ái, tinh thần học hỏi, sáng tạo không ngừng, cũng như sự tín nhiệm của đồng nghiệp, lòng tin yêu của phụ huynh, học sinh đã và đang giúp cô tiếp tục “ươm mầm xanh” tương lai cho đất nước.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú Tống Văn Ngữ cho biết: “Giáo viên của nhà trường chủ yếu là giáo viên trẻ nên nhiệt tình, tâm huyết, tham gia tất cả các hoạt động giảng dạy, giúp đỡ các em học sinh, tạo hứng thú để các em thích đến trường nhiều hơn, trong đó có cô Quyên. Cô có nhiều phương pháp giảng dạy hay, sống hòa đồng, vui vẻ với đồng nghiệp. Đặc biệt, cô Quyên đã thực hiện rất tốt việc vận động học sinh không bỏ học, góp phần cho trường ngày một đi lên, các em tích cực học tập hơn”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô Quyên đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Tháng 8/2020, cô Quyên vinh dự là một trong ba đại biểu của ngành Giáo dục được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ nhất của huyện Phú Riềng. Đặc biệt, cô vinh dự là một trong 63 giáo viên được tuyên dương tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 tại Thủ đô Hà Nội.

Nhiều năm gắn bó với ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa, cô Mã Trà Quyên rất vui khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình chắp cánh ước mơ cho học sinh trên bước đường tương lai. Không chỉ tâm huyết trong giảng dạy, cô còn nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi, gia đình văn hóa, xứng đáng là hình ảnh đẹp trong lòng nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh.

K GỬIH (TTXVN)
Cô giáo người Mông mang mùa xuân về bản
Cô giáo người Mông mang mùa xuân về bản

Cô giáo người Mông Sung Thị Tông vừa được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục và Đào tạo xứng đáng là tấm gương của thế hệ trẻ, với ước mơ nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn là luôn vượt qua mọi khó khăn, để có thể đem tri thức học tập của mình truyền đạt lại cho trẻ em vùng biên Trường mầm non Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN