Chung cư quá nhiều, lớp mầm non tăng sĩ số lên 60 học sinh

Việc xuất hiện ngày càng nhiều các khu chung cư cao tầng đang gây sức ép lên ngành Giáo dục tại các quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy… khi từ quy định 35 - 40 học sinh/lớp, các trường buộc phải tăng thành 60 học sinh/lớp.

"Nóng" lớp 60 học sinh

Phụ huynh học sinh ở những khu vực tăng “nóng” về dân số tại Hà Nội không ai là không thuộc cách “chữa cháy” của các trường trước tình hình quá tải học sinh những năm học gần đây. Nghỉ học luân phiên tuần một buổi để có lớp học gối thêm vào ngày thứ Bảy, trưng dụng văn phòng và phòng thể chất để làm phòng học... là các giải pháp tình thế được các trường áp dụng.

Chú thích ảnh
Các giải pháp tình thế được các trường áp dụng để giảm sĩ số lớp học. Ảnh: TTXVN.

Kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội năm học 2018 - 2019 cho thấy, Hà Nội có hơn 100 trường mầm non, tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên mỗi lớp, thậm chí không ít trường số học sinh mỗi lớp lên đến 60.

Cụ thể, có 19/772 trường mầm non công lập có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học. Cá biệt có 4 trường mầm non có sĩ số 60 cháu/lớp, tập trung ở quận Cầu Giấy. Có 87/697 trường tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp học. Cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh trở lên/lớp, trong đó có 3 trường có sĩ số từ 60 học sinh trở lên/lớp. Ở khối THCS, có 13/599 trường công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.

Đơn cử như quận Hoàng Mai, “điểm nóng” về quá tải học sinh ở một số trường công lập, mặc dù năm học 2018 - 2019 đã tăng đáng kể về số trường, lớp (tăng 14 trường, tăng 122 lớp so với cùng kỳ năm trước) vẫn không đủ đáp ứng. Bởi thế, riêng trong năm học này, số học sinh hiện tại trên địa bàn quận là 87.504 học sinh, tăng 5.000 học sinh so với cùng kỳ năm trước. Bình quân học sinh tại các trường là 45 học sinh/lớp. Trong đó, bình quân học sinh tại trường công lập là 48 học sinh/lớp.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tốc độ tăng dân số cơ học cao, cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn Thủ đô dẫn đến hiện tượng quá tải trong các trường công lập, tỷ lệ học sinh trên lớp cao.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có ý kiến với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào taọ (GD&ĐT) và Bộ Xây dựng cho phép nâng mật độ xây dựng, nâng tầng với các trường học tại các quận nội thành, nơi có ít quỹ đất để đảm bảo sĩ số học sinh/lớp.

Cùng đó, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư, nhằm giảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định, đảm bảo chỗ học cho học sinh các cấp.

Năm học 2018 - 2019, toàn thành phố Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh mầm non và phổ thông (so với năm học 2017 - 2018 tăng 48 trường, tăng 109.930 học sinh), trong đó 2.182 trường công lập, có 507 trường tư thục.

Nghịch lý thừa tiền thiếu đất

Những con số của năm nay vẫn chưa được cập nhật bởi năm học 2019 - 2020 chưa bắt đầu, tuy nhiên, điệp khúc phải học trong lớp học lên tới 60 học sinh/lớp có lẽ vãn tiếp tục. Thiếu quỹ đất để xây trường đang là tình trạng chung của các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy...

Do là quận lõi của nội thành, nên quận Hai Bà Trưng gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, tăng diện tích của các cơ sở giáo dục. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết, quận đang gặp khó khăn về việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường, nên từ năm 2016 đến nay, UBND quận đã cố gắng triển khai 25 dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 638 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, để thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa, mở rộng các dự án trường học.

Tuy vậy, cho đến nay, trên địa bàn quận vẫn còn có 8 trường mầm non công lập có điểm lẻ, phân tán, nên gây khó cho công tác quản lý đội ngũ và gây tốn kém cho quá trình đầu tư. Dự kiến, từ nay đến 2020, UBND quận sẽ dành kinh phí, quỹ đất để đầu tư xây mới, mở rộng một số trường, trong đó, tập trung vào những phường đông dân cư, có nhiều nhà chung cư tại phường Vĩnh Tuy, Minh Khai…

Quận Thanh Xuân cũng có nhiều khó khăn trong vấn đề quỹ đất để xây dựng trường học công lập. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, hiện tại, quận có 44 trường học công lập phân bố đều ở 11 phường, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Giai đoạn 2016 - 2018, quận đã bố trí 140 tỷ đồng cho mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn. Đặc biệt, quận có 1 trường THCS chất lượng cao trong khu đô thị thuộc phường Thanh Xuân Trung với bể bơi 4 mùa, phòng đa năng hiện đại…

Tuy nhiên, với quy mô dân số tăng nhanh, nhiều khu đô thị xây dựng, nhu cầu học tập của học sinh lớn, hiện tại, quận gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí quỹ đất. Vì thế, đến kỳ tuyển sinh, đã tạo áp lực cho các trường do chưa mở rộng quy mô tăng lớp, trong khi điều kiện diện tích đất của trường hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho biết quận Hoàng Mai là địa bàn có tốc độ dân số cơ học tăng nhanh do nhiều tòa nhà chung cư đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, số học sinh tuyển sinh đầu cấp đều tăng ở cả 14 phường, nên số phòng học không tăng kịp so với yêu cầu. Mặc dù quận Hoàng Mai đã dành tỷ trọng kinh phí lớn để đầu tư cho giáo dục, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến phải sử dụng các phòng chức năng làm phòng học.

Trao đổi về những khó khăn trong việc chuẩn bị trường lớp đáp ứng yêu cầu thực tế, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Quang Thắng cho biết, việc hoàn thiện mạng lưới trường học phù hợp có vai trò quan trọng với những quận nội đô. Để giải quyết vấn đề này, ngay trước thềm năm học mới, các quận cần quy hoạch về trường, lớp dài hạn, phù hợp với quy hoạch lâu dài, nhất là khu vực đông khu dân cư; rà soát kỹ kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất cho các cơ sở giáo dục phát triển trong dài hạn.

Minh Thy/Báo Tin tức
Hà Nội giám sát đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị
Hà Nội giám sát đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị

Tốc độ tăng dân số cơ học cao cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn Thành phố Hà Nội là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng quá tải trong các trường công lập, tỷ lệ học sinh trên lớp cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN