Cần xử lý nghiêm sai phạm trong liên kết đào tạo “chui”

Sau khi báo Tin Tức đăng bài Hậu quả của liên kết đào tạo “chui”, Tin Tức đã nhận được Công văn số 48/KL-TTr của Bộ Giáo dục và Đào tạo Kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh, đào tạo tại Công ty cổ phần đào tạo Trường Kinh tế kỹ thuật Bách khoa Hà Nội trong việc liên kết đào tạo với Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định).


Theo Kết luận này, Công ty cổ phần đào tạo (CPĐT) Trường kinh tế kỹ thuật (KTKT) Bách khoa Hà Nội liên kết đào tạo trình độ đại học với Trường Đại học (ĐH) Lương Thế Vinh là trái quy định tại Khoản 1, Điều 5, Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, ĐH ban hành kèm theo Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT, vi phạm Điểm d, Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 138/2013/ NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. 

Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định).

Công tác tuyển sinh và đào tạo 31 sinh viên tại 169 Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy (Hà Nội) là trái quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều 27 Luật Giáo dục đại học năm 2012, vi phạm Điểm d, Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trường ĐH Lương Thế Vinh liên kết đào tạo trình độ ĐH với Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội là trái quy định tại Khoản 1, Điều 5, Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, ĐH ban hành kèm theo Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vi phạm Điểm d, Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 138/2013/ NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Kết luận cũng kiến nghị biện pháp xử lý đối với Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Lương Thế Vinh: Chấm dứt việc liên kết đào tạo và tuyển sinh, đào tạo trái quy định; giải quyết hậu quả xong trước ngày 30/10/2015. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 66 và 67/QĐ-XPVPHC ngày 4/9/2015 của Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT. 

Riêng đối với Trường ĐH Lương Thế Vinh, Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân để xảy ra sai phạm trên, báo cáo Bộ GD&ĐT trước ngày 15/11/2015. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo. Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội có mã số doanh nghiệp 0101596607 đã cấp cho Công ty. Chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, xử lý nghiêm những vi phạm theo thẩm quyền.

Ngay sau khi có Kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, ngày 22/10/2015, ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT đại diện Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội cũng đã có văn bản số 43/GTrinh-KTKTBKHN gửi Hội đồng quản trị Trường ĐH Lương Thế Vinh cũng thừa nhận: Thực hiện liên kết đào tạo giữa hai đơn vị, trong đợt tuyển sinh năm 2014, Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội gọi học sinh lên xét tuyển và làm các thủ tục nhập học theo quy định của Trường ĐH Lương Thế Vinh và Bộ GD&ĐT đã có 68 học sinh được trúng tuyển, còn lại 36 em không trúng tuyển theo quy chế năm 2014 của Trường ĐH Lương Thế Vinh. Để giải quyết việc này, Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội đã nhiều lần thảo luận, đặc biệt vào giữa tháng 12/2014 tại một cuộc thảo luận về nội dung này gồm có lãnh đạo Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội, ông Vũ Thành Trung đã trực tiếp gọi điện cho ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh và ông Nguyễn Thanh Hải để thảo luận và xin chủ trương được giữ số học sinh này (36 em) để tạo nguồn cho năm 2015. “Qua điện thoại, ông Hùng và ông Hải đã đồng ý, để 36 học sinh này làm tạo nguồn cho năm 2015. Sau đó tôi đã nhiều lần liên hệ tiếp theo với ông Hùng và ông Hải để báo cáo việc liên kết đến nội dung này. Những nội dung trên chúng tôi đã báo cáo với Đoàn Thanh tra Bộ GD&ĐT, Công an quận Cầu Giấy khi đến làm việc với đơn vị chúng tôi”, ông Vũ Thành Trung khẳng định. Được biết, trong quá trình hoạt động của "lớp học chui" khi đi kiểm tra, cán bộ Trường ĐH Lương Thế Vinh đã phát hiện và báo cáo, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng không có chỉ đạo giải quyết.

Pháp luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của Hiệu trưởng đối với trường ĐH. Là người đại diện pháp nhân ông Nguyễn Văn Hùng đã ký hợp đồng với một cơ sở không đủ chức năng đào tạo, vô tình đã tiếp tay cho Công ty CPĐT Trường KTKT Bách khoa Hà Nội mở lớp "chui” đào tạo 36 sinh viên để lại những hậu quả nghiêm trọng... Rõ ràng ông Nguyễn Văn Hùng phải chịu trách nhiệm trước những việc làm do mình gây ra.

Dư luận xã hội đang trông chờ vào sự công minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cần truy cứu trách nhiệm đối với những vi phạm trên, nếu không làm nghiêm thì việc xử phạt hành chính của Bộ GD&ĐT cũng chỉ là “phạt cho tồn tại”. Đề án đổi mới giáo dục đại học được Bộ GD&ĐT ban hành đang trong quá trình thử nghiệm, nhân dân mong muốn những "hạt sạn" cần được nhặt bỏ để đề án thiết thực, hiệu quả trong cuộc sống.
Nguyễn Viết Tôn
Hậu quả của liên kết  đào tạo “chui”
Hậu quả của liên kết đào tạo “chui”

Sau khi đã học được một kỳ tại trường đại học mà vẫn chưa có thẻ sinh viên, các em tìm hiểu nguyên nhân mới biết mình không có tên trong hồ sơ nhà trường. Sự thật hài hước này đang đặt ra nhiều nghi vấn có hay không một liên kết “đào tạo chui” giữa Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) với Trường Kinh tế Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN