Hậu quả của liên kết đào tạo “chui”

Sau khi đã học được một kỳ tại trường đại học mà vẫn chưa có thẻ sinh viên, các em tìm hiểu nguyên nhân mới biết mình không có tên trong hồ sơ nhà trường. Sự thật hài hước này đang đặt ra nhiều nghi vấn có hay không một liên kết “đào tạo chui” giữa Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) với Trường Kinh tế Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội.


Lỗ hổng trong liên kết

Qua đơn thư kiến nghị của tập thể sinh viên lớp K11 BK2 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trường Đại học (ĐH) Lương Thế Vinh phản ánh việc các em đóng học phí đầy đủ theo quy định nhưng lại không có tên trong Quyết định nhập học của Trường ĐH Lương Thế Vinh, phóng viên Tin Tức đã làm việc với các bên liên quan và được biết có nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Lương Thế Vinh với các cơ sở đào tạo ngoài nhà trường cần được làm rõ và truy cứu trách nhiệm cá nhân.

Các sinh viên trình bày việc trường Kinh tế kỹ thuật Bách khoa Hà Nội lợi dụng uy tín Trường Đại học Lương Thế Vinh để chiêu sinh.

Ngày 21/10/2014, Trường ĐH Lương Thế Vinh có chủ trương liên kết với Công ty cổ phần đào tạo Trường Kinh tế kỹ thuật (KTKT) Bách khoa Hà Nội thỏa thuận ký kết “Hợp đồng nguyên tắc hợp tác quản lý đào tạo đại học” giữa hai đơn vị. Tiếp đó ngày 26/10/2014 hai đơn vị này đã ký kết hợp đồng số 10/2014-HĐĐT tạo nguồn và thuê cơ sở vật chất đào tạo ĐH với nội dung: Trường ĐH Lương Thế Vinh (Bên A) ủy quyền tạo nguồn cho Trường KTKT Bách khoa Hà Nội (Bên B) nhận hồ sơ tuyển sinh ĐH chính quy theo các quy định của bên A đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt năm 2014 và các năm tiếp theo. Bên B cho bên A thuê địa điểm, cơ sở vật chất để đào tạo tại địa điểm 169 Nguyễn Ngọc Vũ, quận cầu Giấy, Hà Nội; thời gian thuê 4 đến 4,5 năm từ 2014 đến 2018. Số tiền bên A trả cho bên B căn cứ vào số lượng sinh viên và tiền học phí thu được…

Thực hiện hợp đồng này, Trường KTKT Bách khoa Hà Nội đã tuyển sinh được 68 sinh viên, mỗi sinh viên được Trường ĐH Lương Thế Vinh trả 1 triệu đồng. Trong quá trình đào tạo Trường KTKT Bách khoa Hà Nội được hưởng 30% số kinh phí thực thu về học phí, lệ phí học lại, thi lại để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và quản lý sinh viên.

Mọi việc sẽ rất “êm xuôi” trong liên kết đào tạo giữa hai đơn vị này nếu không xảy ra việc các sinh viên K11 BK2 về tận Trường ĐH Lương Thế Vinh tìm hiểu việc các em là sinh viên ĐH Lương Thế Vinh nhưng chưa được cấp thẻ sinh viên. Theo lãnh đạo Trường ĐH Lương Thế Vinh, vào thời điểm cuối tháng 5/2015, em Đỗ Thị Tuyết và Hoàng Thị Khánh Vân đại diện cho tập thể lớp K11 BK2 đang học tại Trường KTKT Bách khoa Hà Nội về trường để xác minh xem mình có phải là sinh viên Trường ĐH Lương Thế Vinh hay không. Sau khi kiểm tra, Trường ĐH Lương Thế Vinh khẳng định rằng không có lớp nào mang ký hiệu K11 BK2 cũng như tên 36 sinh viên đang theo học tại Trường KTKT Bách khoa Hà Nội là sinh viên của Trường ĐH Lương Thế Vinh. Đây chỉ là một lớp học “chui”.

Ông Trương Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Lương Thế Vinh cũng khẳng định: Trường này chưa từng tuyển 36 sinh viên kể trên. Toàn bộ sự việc trên đều do Trường KTKT Bách khoa Hà Nội, một đối tác đang liên kết đào tạo với Trường ĐH Lương Thế Vinh tự gọi để đào tạo.

Sau khi sự việc vỡ lở Trường KTKT Bách khoa Hà Nội đã điều chuyển một số sinh viên sang Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), một đối tác liên kết khác của Trường KTKT Bách khoa Hà Nội, nhưng sau 2 tháng nhập học, đã có nhiều em chán nản bỏ học. Số sinh viên khác không muốn chuyển nhưng trước tình cảnh “mang con bỏ chợ” của Trường KTKT Bách khoa Hà Nội nên các em đã nghỉ học.

Em Đào Văn Hà, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là một trong số 36 sinh viên K11 BK2 cho biết: “Gia đình em rất khó khăn, ngoài tiền học phí phải đóng cho nhà trường 3.700.000 đồng/kỳ học, hàng tháng bố mẹ em tiết kiệm chi phí gửi thêm cho em 2 triệu đồng nữa để thuê nhà, ăn uống và trang trải trong quá trình học tập tại Hà Nội”. Vậy nhưng sau khi học được một kỳ nếu phải bỏ dở, không biết tương ai của em sẽ như thế nào.

Đang là sinh viên, bỗng dưng hơn 30 sinh viên bơ vơ phải về quê. Vậy đơn vị, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc tuyển sinh chui này?

Làm giả con dấu để tuyển sinh chui

Qua kiến nghị của tập thể sinh viên K11 BK2, Hội đồng quản trị Trường ĐH Lương Thế Vinh nhận thấy đây là việc hệ trọng có nhiều điều khuất tất, cần làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân đối với cả hai trường ĐH Lương Thế Vinh và Trường KTKT Bách khoa Hà Nội.

Ông Trương Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Lương Thế Vinh cho biết: Qua quá trình làm việc, đại diện lớp K11 BK2 đã cung cấp nhiều bằng chứng như: Phiếu nhập học, giấy xác nhận là sinh viên của Trường ĐH Lương Thế Vinh, phiếu thu tiền cao hơn quy định có đóng dấu chữ nhật mang tên Trường ĐH Lương Thế Vinh đều do Trường KTKT Bách khoa Hà Nội thực hiện. Người ký là ông Vũ Văn Dũng, lúc đứng danh là Phó giám đốc Công ty cổ phần đào tạo Trường KTKT Bách khoa Hà Nội xác nhận cho sinh viên, nhưng trong phiếu nhập học lại đứng tên cán bộ viết phiếu. Tại phiếu thu tiền không thể hiện các quy định vào sổ, số văn bản, không ghi ngày tháng năm thu nhận, chỉ đóng dấu mang tên Trường ĐH Lương Thế Vinh - Bộ phận đào tạo, người lập chứng từ là bà Lê Thị Hạnh… Sau khi sự việc vỡ lở Trường KTKT Bách khoa Hà Nội đã tự ý chuyển số sinh viên này đi nơi khác.

Qua đó khẳng định, việc Trường KTKT Bách khoa Hà Nội tự ý mở thêm lớp chiêu sinh 36 học viên mang danh Trường ĐH Lương Thế Vinh, nhưng các em không có tên tại trường này đã lợi dụng uy tín Trường ĐH Lương Thế Vinh để lừa dối người học; tự khắc dấu, dựa tên Trường ĐH Lương Thế Vinh để hoạt động trái phép. Những việc làm trên của Trường KTKT Bách khoa Hà Nội đã tạo ra dư luận không tốt trước người học và xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Trường ĐH Lương Thế Vinh. Ông Trương Đức Huy kiến nghị: “Cần làm rõ động cơ, mục đích của Trường KTKT Bách khoa Hà Nội trong những sai phạm trên. Các cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ những vi phạm của cá nhân, tập thể liên quan và phải chịu trách nhiệm về những sai phạm đó”.

Ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đào tạo Trường KTKT Bách khoa Hà Nội cũng đã thừa nhận việc tự khắc con dấu Trường ĐH Lương Thế Vinh là sai. Ngày 7/8/2015, Trường KTKT Bách khoa Hà Nội đã có giải trình bằng văn bản gửi ĐH Lương Thế Vinh và giao nộp con dấu trái phép cho trường này. Trong văn bản giải trình, Trường KTKT Bách khoa Hà Nội một lần nữa thừa nhận có tự ý mở thêm lớp với số lượng 36 sinh viên, ban hành các văn bản trái thẩm quyền với lý do tạo nguồn tuyển sinh năm 2015. 

Vậy ai đã chỉ đạo Trường KTKT Bách khoa Hà Nội làm trái quy định này, cá nhân Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh cũng có trách nhiệm trong việc để Trường KTKT Bách khoa Hà Nội lợi dụng trong liên kết đào tạo để mở thêm lớp ngoài chỉ tiêu đào tạo.

Các bậc phụ huynh và học sinh Trường ĐH Lương Thế Vinh đang mong chờ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm của tập thể và cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, mở lớp “đào tạo chui” gây mất lòng tin cho xã hội.

Dư luận xã hội cần một kết luận khách quan từ phía Bộ GD-ĐT, làm bài học để răn đe những kẻ chỉ vì trục lợi đã làm ảnh hưởng đến uy tín một ngôi trường và đặc biệt đề án tuyển sinh đại học mới được Bộ GD-ĐT ban hành.
Bài và ảnh: Tôn Trường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN