Xu hướng tất yếu
ĐH Bách khoa Hà Nội từ lâu đã triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, nhất là trong mùa dịch COVID-19. Vì vậy, trường hiện có 99% lớp lý thuyết, 100% bài tập học là trực tuyến.
Đánh giá về hình thức này, PGS TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, 80% sinh viên hài lòng với hình thức này, nhưng là trường kỹ thuật, chú trọng thực hành thí nghiệm, nên sinh viên coi học truyền thống vẫn hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sinh viên các tỉnh khó mua thiết bị, tài liệu… phục vụ học tập. Tuy nhiên, đây là thời điểm để các trường ĐH có thể phát triển công nghệ cá nhân hoá, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), không chỉ học theo thời gian thực, mà cần cá nhân hoá từng học sinh.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần xây dựng quy chế, quy chuẩn dựa trên chất lượng học tập, đứng về phía người học, không nên đi quá sâu về kỹ thuật, vì công nghệ thay đổi liên tục.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải thống nhất, Bộ nên có hệ thống các văn bản quản lý về đào tạo trực tuyến. Đặc biệt, xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục đào tạo thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Các trường cũng đề xuất cụ thể đối với việc phát triển hệ thống LMS và LCMS phù hợp hỗ trợ cho việc đào tạo trực tuyến (LMS quản lý các hoạt động học tập online, LCMS quản lý nội dung học tập). Đây là cơ sở để phát triển học liệu trực tuyến.
Đại diện Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cho biết, năm học 2018 -2019, trường cũng thực hiện 40% lớp đào tạo trực tiếp, 60% đào tạo online. Riêng trong tháng 3 vừa qua, trường đã quay được 180 bài giảng, chia sẻ bài giảng cho sinh viên. Nhà trường đã tập trung vào hạ tầng công nghệ thông tin, tập huấn cho sinh viên, giảng viên; ban hành quy chế đào tạo E-Learning chuẩn…
Sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về đào tạo trực tuyến
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), đào tạo trực tuyến chưa triển khai đồng bộ được do nhiều nguyên nhân. Trong đó có một số nguy cơ, rủi ro trong quá trình học tập trực tuyến như mất an toàn, an ninh thông tin; nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội (game, mất thời gian mạng xã hội, quảng cáo link đến các trang web đen...).
Bà Nguyễn Thu Thuỷ chỉ ra, đến nay, chưa có những cảnh báo, kỹ năng cần thiết cho sinh viên học tập trên môi trường mạng; chưa có giải pháp tránh quấy rối lớp học, mất thông tin cá nhân… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp viễn thông chưa thực sự quan tâm đầu tư về công nghệ đào tạo trực tuyến cho giáo dục ĐH.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo và hoàn thiện hành lang pháp lý để phục vụ đào tạo trực tuyến. Trước mắt là Đề án Đào tạo từ xa và Đề án về Xây dựng Xã hội học tập có nội dung này. Năm 2020, Bộ sẽ tổng kết 2 đề án này; đồng thời, ban hành đề án mới, trong đó bao gồm Đào tạo trực tuyến và thành quả của hai đề án trên.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các trường làm tốt cần chia sẻ với các trường khác trong hệ thống. Trước mắt là cho phép các trường chia sẻ học liệu, bài giảng trực tuyến giúp sinh viên học tập; trao đổi xây dựng kho học liệu dùng chung, khóa học mở đại chúng... Các cơ sở giáo dục ĐH phải nhận thức rằng, giai đoạn khó khăn hiện nay là thời cơ trong quá trình chuyển đổi số. Khối giáo dục ĐH phải đi đầu trong lĩnh vực này.
Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các chính sách đồng bộ trong việc hỗ trợ các cơ sở đào tạo; đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ để Đào tạo trực tuyến sớm được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.