Diễn đàn do Mạng lưới giáo dục EduNet thuộc Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Với chủ đề "Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng", các đại biểu tham dự là các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên, sinh viên… đã nghe và trao đổi với các diễn giả về nhiều chủ đề như công nghệ hóa giáo dục đại học, quản trị đại học, chất lượng đào tạo, chính sách và triết lý giáo dục, đào tạo giáo viên đại học, quốc tế hóa giáo dục đại học và phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương, sáng lập viên Mạng lưới giáo dục EduNet và là giảng viên Đại học Paris, các chủ đề được thảo luận đều là những thành tố tạo nên hình thái của giáo dục đại học quốc tế. Vì thế, đây là cơ hội cung cấp những kinh nghiệm giúp thay đổi diện mạo giáo dục đại học của Việt Nam trong những năm tới, nhất là trong bối cảnh giáo dục đang chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Nếu như trước đại dịch, các vấn đề như công nghệ, số hóa, quốc tế hóa và quản trị… là mục tiêu cải cách ở nhiều quốc gia, thì trong và sau đại dịch, tất cả những điều này đang và sẽ trở thành vấn đề cấp thiết để thích ứng với tình hình mới.
Cũng theo bà Thụy Phương, nhìn chung các cơ sở đại học của các nước đều thích ứng nhanh trong thời kỳ dịch bệnh, khi các lớp học được chuyển sang hình thức trực tuyến, giảng viên và học sinh làm việc theo nhóm trên mạng, các công tác điều hành và quản lý được thực hiện trên các nền tảng và phần mềm hiện đại… Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, điều đáng lo ngại là về chất lượng đào tạo sinh viên.
Dịch bệnh đã khiến các em bị giảm cơ hội trao đổi trực tiếp, các hoạt động nghiên cứu và thực tập cũng trở nên khó khăn hơn, trong khi việc tổ chức thi cử cũng không diễn ra như thông lệ. Vì thế, Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2021 là dịp để trao đổi nhằm tạo ra các tư duy mới trong lãnh đạo và quản trị đại học phù hợp với bối cảnh khủng hoảng và góp phần tạo ra những chuyển biến trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, cũng như thay đổi quan niệm về đảm bảo chất lượng. Bản thân chủ đề “Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng” cũng đã mở ra không gian học thuật cho những nghiên cứu về khủng hoảng, thảo luận về khả năng thích ứng và đề xuất các chính sách, giải pháp hay định hướng chuyển đổi cho giáo dục đại học ở các nước, trong đó có Việt Nam. Bà Thụy Phương đánh giá diễn đàn đã "thành công như mong đợi, cả về lượng và chất".
Ra đời vào tháng 6/2020, Diễn đàn giáo dục Việt Nam là sự kiện mang tính học thuật quốc tế thường niên do EduNet khởi xướng. Chủ đề của diễn đàn năm ngoái là “Trường học ngày mai – Công dân tương lai". EduNet muốn thông diễn đàn hàng năm này để giúp các cấp bậc học, từ mẫu giáo, phổ thông đến đại học ở Việt Nam bắt kịp với các xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới. Ngoài ra, EduNet còn tiến hành nhiều dự án nghiên cứu và tư vấn giáo dục - đào tạo cho các tỉnh, thành của Việt Nam, cũng như xuất bản các sách chuyên ngành giáo dục. Năm nay, EduNet dự kiến ấn bản cuốn sách thứ hai về bậc đại học, tiếp nối cuốn đầu đã ra mắt sau Diễn đàn giáo dục 2020, có tựa đề "Giáo dục phổ thông Việt Nam: Chuyển biến và sáng tạo".
Để các diễn đàn được tổ chức thành công, không thể không kể đến vai trò của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (Association of Vietnamese Scientists and Experts - AVSE Global), nhà tài trợ chính của sự kiện. AVSE Global được thành lập năm 2011 và đặt trụ sở tại Paris (Pháp). Mục tiêu mà hội đề ra là kết nối các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có khát vọng đóng góp cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.