Bớt nhộn nhịp nhưng nhiều hồ sơ điểm cao

Ngày 19/8, ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, theo nhiều lãnh đạo trường, số lượng hồ sơ rút, nộp đã giảm hơn so với những ngày trước, nhưng vẫn khá nhộn nhịp. Về phía thí sinh, thay vì chọn ngành học, thì đôn đáo đi chọn trường phù hợp với điểm số.

Vẫn cảnh xếp hàng

Từ 8 giờ sáng, hàng chục bàn tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã sẵn sàng tiếp đón thí sinh, phụ huynh. Lúc này, hàng trăm thí sinh, người nhà đã chờ đến lượt tư vấn để rút nộp hồ sơ. Cán bộ tuyển sinh của trường yêu cầu thí sinh, phụ huynh phải xếp hàng để tránh xảy ra lộn xộn.

Ngày cuối cùng, lượng hồ sơ rút, nộp đã giảm hẳn.


Theo đại diện Ban Đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong ngày 17- 18/8, lượng thí sinh rút hồ sơ tăng đột biến khiến một số ngành của trường bị thiếu chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc điểm chuẩn những ngành này bị tụt xuống tới 3- 5 điểm. Còn trong ngày 19/8, hồ sơ nộp vào trường chủ yếu ở mức từ 24- 27 điểm. Số lượng hồ sơ rút ra không nhiều.

Tình hình rút, nộp hồ sơ ở ĐH Bách khoa Hà Nội cũng bớt nhộn nhịp hơn so với hai ngày trước đây. Theo số liệu thống kê, số lượng hồ sơ nộp vào trong ngày 19/8 giảm khoảng 4 lần so với hai ngày trước. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Dù không nhộn nhịp như trước, nhưng những ngành hot của trường như: Công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật cơ khí… lại liên tục nhận được hồ sơ có điểm khá cao, khiến cho điểm chuẩn của những ngành này tăng lên ít nhất 1 điểm. Số thí sinh nộp vào có điểm khá cao, dao động từ 25- 27 điểm. 21 giờ tối ngày 19/8 là đợt cập nhật cuối cùng về phổ điểm các ngành đào tạo và mức điểm chuẩn dự kiến tạm thời ở từng ngành trường được công bố lên website nhà trường”.

Tại ĐH Y Hà Nội, trong sáng ngày 19/8, số lượng thí sinh đến rút hồ sơ tăng, chủ yếu là hồ sơ các ngành Bác sĩ Đa khoa và Răng hàm mặt. Tính đến, trưa ngày 19/8, điểm trúng tuyển dự kiến vào ngành Bác sĩ đa khoa là 27,5 điểm, tuy nhiên con số này sẽ tăng bởi theo tính toán, với mức điểm này trở lên, ngành còn thừa tới gần 100 chỉ tiêu.

Ngày 19/8, tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, lượng thí sinh đến rút hồ sơ không nhiều như những ngày trước, đa số các thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng, xem xét tình hình để cân nhắc xem nên rút hay tiếp tục chờ đợi, nhất là những thí sinh đang nằm ở mức điểm cận chuẩn an toàn.

Theo trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, trong ngày 19/8, có khoảng 300 hồ sơ rút, lượng hồ sơ nộp vào cũng khoảng 200 - 300 hồ sơ. Nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh rút hồ sơ, chậm nhất là trong 1 buổi. Còn ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, có gần 4.000 hồ sơ thí sinh rút, riêng trong ngày 19/8 có khoảng 400 - 500 hồ sơ rút, nộp khoảng 300 hồ sơ. Với mức điểm các hồ sơ nộp, dự kiến điểm chuẩn tất cả các ngành sẽ tăng từ 1 - 3 điểm so với năm trước. Trường tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh rút hồ sơ, rút nhanh, cao điểm nhất khoảng 30 phút có thể rút xong. Trong ngày 20/8, nhà trường trực tới khi nào không có thí sinh rút, bổ sung hồ sơ mới nghỉ

Tốn kém như đi thi

Đồng hành cùng với những thí sinh trong đợt xét tuyển dài ngày này chính là người thân. Không ít phụ huynh cho biết, đã bỏ công việc để lên Hà Nội “trực chiến” cùng với con gần 1 tuần nay và phải hết ngày 20/8 mới lên xe về quê.

Anh Đỗ Đức Nghĩa (TP Thái Bình, Thái Bình) cho biết: “Gần 2 tháng nay cả nhà chạy theo con đi rút, nộp hồ sơ. Bản thân tôi cả tuần nay phải xin nghỉ phép để đưa con lên Hà Nội xét tuyển. Không muốn phiền lụy đến người quen, cha con tôi thuê khách sạn để nghỉ. 4 ngày đêm rồi, mỗi ngày đêm là 320.000 đồng”.

Theo ghi nhận, khu vực tập trung các trường ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế Quốc dân số khách sạn, phòng nghỉ kín chỗ từ vài ngày nay. Địa điểm được nhiều phụ huynh lựa chọn do giá hợp lý, yên tâm về nơi ở là khách sạn Kim Liên cũng đã kín chỗ. Một số phụ huynh cho biết, không chỉ thuê chỗ nghỉ, còn lo nơi ăn, nơi uống. Chi phí thấp nhất cho đợt xét tuyển này cũng lên tới 4- 5 triệu đồng.

Anh Nghĩa cho biết: “Gia đình tôi chịu được mức phí này, nhưng thấy nhiều nhà có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn cố công cho con lên tận nơi để rút, nộp hồ sơ, tội họ và tội các cháu lắm”.

Lê Vân
Yêu cầu rà soát, hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét tuyển
Yêu cầu rà soát, hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét tuyển

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường chạy phần mềm xét tuyển để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển và công bố danh sách trúng tuyển trước ngày 25/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN