Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình về đổi mới các kỳ thi

Triển khai chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đây là một chủ trương quan trọng được nhân dân và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Để làm rõ hơn việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, sáng 23/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Gọi thí sinh vào phòng thi đại học. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Một kỳ thi, hai mục đích


Tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để thực hiện hai mục đích: xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh, đây là phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra và sẽ áp dụng kể từ năm 2015.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là cách tiếp cận mới trên cơ sở những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm qua, nhất là năm 2014.

Đây là phương án không dựa trên việc bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tuyển sinh đại học, cao đẳng mà là tổ chức một kỳ thi nhằm hai mục đích, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn cho kết quả tin cậy.

Phương án này cũng phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay là ngày càng coi trọng kỳ thi phổ thông trong việc đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp cơ sở cho tuyển sinh đại học.

Đồng tình với phương án trên, các đại biểu đánh giá cao quyết định tổ chức một kỳ thi thay vì 2 kỳ thi, việc làm này vừa tiết kiệm được công sức, nguồn lực lớn, vừa giảm áp lực cho học sinh mà đáng lẽ ra phải làm từ lâu.

Nhiều ý kiến thống nhất chỉ có một kỳ thi duy nhất là thi quốc gia, trên cơ sở đó các trường đại học lấy làm chuẩn để xét tuyển vào trường. Theo khả năng của mình, các thí sinh sẽ lựa chọn trường để đăng ký xét tuyển, “đầu vào” mở ra càng tốt, không nên hạn chế thí sinh vào đại học.

Đổi mới giáo dục là phải đổi mới tận gốc về phương thức đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tiêu chuẩn và đánh giá các trường, bản thân các trường đại học đều phải có phương án riêng để đạt chuẩn. Song, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn từ phía các đại biểu.

Cụm thi – hiệu quả và những hệ lụy có thể xảy ra

Công bằng trong tổ chức thi tại các cụm, vấn đề này được đại biểu Phùng Văn Hùng (Ủy ban Kinh tế) đưa ra và cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Phân tích 3 hệ lụy có thể xảy ra đối với việc một số địa phương không có cụm thi do các trường đại học chủ trì, giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương phối hợp với Bộ tổ chức thi cho những học sinh không có nguyện vọng thi vào đại học, đại biểu Phùng Hùng cho rằng sẽ khó đảm bảo thống nhất về mặt bằng chất lượng, bởi điều rất có thể xảy ra là cụm thi do các trường đại học tổ chức sẽ rất chặt khiến cho tỷ lệ đỗ thấp hơn ở các cụm thi do Sở tổ chức.

Bên cạnh đó, những thí sinh dù thi ở các cụm không có trường đại học chủ trì nhưng vẫn có nguyện vọng vào đại học, đại biểu lo ngại các thí sinh có bị mất đi cơ hội khi đủ điểm vào đại học. Chỉ ra một thực tế “học tài, thi phận”, nước ta đặt rất cao tầm quan trọng của kỳ thi, ngược lại với các nước, đầu vào dễ, sau học sàng lọc, đại biểu đặt câu hỏi: sao không tạo điều kiện để các học sinh được thi cùng một hệ chuẩn, cùng một sự quản lý để được hưởng sự bình đẳng như nhau?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về những khó khăn, bất cập, hạn chế cụ thể và phương án khắc phục cũng như việc thay đổi phương thức học tập khi đổi mới thi cử, chuẩn bị ngân hàng đề thi.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “ba chung”, việc coi thi, chấm thi của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được tổ chức theo cụm do các trường đại học đủ năng lực chủ trì nhưng mở rộng hơn so với năm 2014 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Các trường đại học chủ trì cụm thi, phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học trên địa bàn cũng như các sở, ban, ngành khác của địa phương để tổ chức kỳ thi, đảm bảo cho kỳ thi nghiêm túc, an toàn, kết quả đủ độ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng vào tuyển sinh.

Nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông không đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì để tổ chức một số cụm thi do Sở chủ trì.

Bộ sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra để các cụm thi địa phương được tổ chức nghiêm túc, có độ tin cậy, khách quan.

Thí sinh làm bài thi đại học. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Theo Bộ trưởng, đảm bảo mặt bằng giống nhau là việc Bộ phải lo. Khi có cùng một cơ chế, vẫn có thể có chỗ làm nghiêm túc, có chỗ vi phạm. Việc giải quyết sẽ bằng nhiều giải pháp chứ không phải chỉ bằng một cơ chế thống nhất.

Độ tin cậy của kỳ thi tuyển sinh đại học là do cách thi, cách chấm, cách tổ chức quản lý, để giải quyết vấn đề này, hướng là phải tổ chức kỳ thi ở tất cả các chỗ phải đảm bảo công bằng. Khi giao cho các trường đại học chủ trì tổ chức cụm thi, một mặt Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục- Đào tạo chấn chỉnh tổ chức tốt, mặt khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có thể, sẽ cử một số trường đại học, cao đẳng cùng tham gia vào việc tổ chức thi để có kết quả tin cậy.

Tinh thần là thầy phải đổi mới, trò phải đổi mới, tổ chức thi cử phải đổi mới. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng logic của việc thực hiện cụm thi là do để tránh cho học sinh phải đi quá xa, Bộ và địa phương sẽ phải tổ chức nghiêm túc, cân nhắc, tính toán trong quá trình triển khai để đảm bảo không có dễ dãi, tiêu cực chứ không phó mặc cho các trường.

Đề cập về cơ hội vào đại học đối với các thí sinh chỉ thi ở cụm địa phương, Bộ trưởng khẳng định cơ hội không đóng lại. Điều này thể hiện ở chỗ có nhiều trường xét tuyển kết quả học phổ thông, lớp 12. Bộ không ngăn cấm việc các trường xét tuyển kết quả học phổ thông hay theo kết quả cụm thi địa phương cũng như các phương thức thi khác.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bộ trưởng cho biết: khó khăn nhất là sức ỳ và thói quen. Cách học, dạy hiện nay là truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt, giờ phải thay đổi là những phản ứng tự nhiên. Phải làm sao cho 2 triệu thầy cô hiểu và thống nhất như nhau để 20 triệu học sinh cùng hiểu và hàng chục triệu phụ huynh cùng hiểu.

Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, giải thích để xã hội bớt lo lắng, băn khoăn. Về vấn đề đề thi, do cho rằng đó là vấn đề bảo mật, không thể nói cụ thể nhưng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định hoàn toàn có thể chủ động về đề thi, những thay đổi về đề thi sẽ không làm cho các thí sinh bị sốc, bất ngờ, khó khăn, lúng túng mà sẽ phát huy tác dụng tích cực như kỳ thi tuyển sinh năm 2014. Đề thi sẽ đảm bảo kiểm tra năng lực, nhận thức của học sinh, vừa có phần phân hóa.

Trước băn khoăn của đại biểu Lê Minh Thông về việc lấy kết quả năm học thứ 12 để xét tốt nghiệp có thể dẫn đến tình trạng các trường nâng điểm cho học sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định thực tế không có chuyện “nâng vống” học bạ, phổ điểm kỳ thi vừa rồi không có đột biến .

Ông dẫn chứng kết quả học bạ của các trường đều được công khai, minh bạch trên mạng, các trường, các Sở phải làm nghiêm túc hơn. Về cơ bản, các khối thi được giữ như hiện nay. Bộ đang đôn đốc các trường thay đổi chương trình và nội dung dạy và học, có thể từ đó sẽ thay đổi đầu vào. Nếu có bổ sung thêm, thay đổi khối thi, các trường sẽ thông báo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nhận định tổ chức một kỳ thi hướng đến hai mục tiêu là cần thiết, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần giảm tải, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, góp phần thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Kỳ thi quốc gia này chỉ có ý nghĩa bắt buộc đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, không bắt buộc đối với kỳ thi tuyển sinh vì đó là quyền tự chủ của các trường, không áp đặt, các trường có thể sử dụng hoặc không sử dụng kết quả này trong việc tuyển sinh.

Có hai loại cụm thi và trong tương lai phải sử dụng triệt để tính ưu việt của nó trong tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu giải pháp khắc phục tối đa, đảm bảo công bằng giữa các thí sinh thi tại cụm do trường đại học chủ trì và cụm do địa phương tổ chức.

Việc ra đề cần đảm bảo để học sinh đạt được ở mức trung bình, cần đề phòng hiện tượng lách quy định tuyển sinh dồn vào cụm thi địa phương để lấy điểm cao rồi đăng ký xét tuyển vào trường đại học lấy theo điểm thi của cụm thi địa phương.

Ông Đào Trọng Thi cũng lưu ý Bộ có giải pháp cần thiết đảm bảo được chất lượng kỳ thi và các mục tiêu đề ra, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của học sinh và nguyện vọng của nhân dân, loại trừ các bất cập, đảm bảo tổ chức kỳ thi thành công.


Chu Thanh Vân

Tiếp tục ý kiến về một kỳ thi quốc gia
Tiếp tục ý kiến về một kỳ thi quốc gia

Là phụ huynh có con thi ĐH năm 2015, tôi đang khá hoang mang. Con tôi học chuyên Hóa trường chuyên Hó(ĐH Quốc gia Hà Nội) và định hướng thi vào ĐH Y Hà Nội, nên ngay từ năm lớp 10, cháu đã tập trung ôn luyện cho 3 môn khối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN