Đề xuất mức lương tốt hơn cho nhà giáo
Trong số 6.500 ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục trên cả nước, có hơn 500 ý kiến gửi về đề nghị Bộ trưởng quan tâm tới trường học vùng cao.
Một thầy giáo ở Điện Biên cho hay, cơ sở vật chất của các trường học vùng cao đang sơ sài, không có thư viện, phòng tin học, chỗ bán trú của học sinh chật hẹp, học sinh thiếu đồ dùng, đồ chơi, bếp ăn lẫn nhà vệ sinh đều tạm bợ… Ngay cả phòng hội đồng cho các thầy cô trong ban giám hiệu cũng không có. Nhà công vụ dành cho các giáo viên cắm bản xuống cấp nghiêm trọng, nhiều điểm trường thiếu thốn đến mức không có nước, phụ huynh phải gửi nước hàng ngày để các cô chăm trẻ...
Bên cạnh vấn đề trường học vùng cao, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều ý kiến gửi về phản ánh về chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên mầm non. Nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55), nhất là giáo viên mầm non...
Cô Lê Thị Tuyết Hường, Giáo viên trường Mầm non Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, số giờ làm việc của giáo viên mầm non đang ở mức 10 - 11 giờ/ngày, thay vì 8 tiếng như quy định, nhiều người không có thời gian lo cho gia đình. Trong khi mức lương chỉ dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống.
Tại nhiều tỉnh, có tình trạng thiếu nhà công vụ, nguồn nước không đảm bảo, trong khi giáo viên ăn ngủ tại điểm trường cả tháng mới về với gia đình, cực kỳ vất vả... Quãng đường từ trung tâm đến điểm trường gần 50 km, giao thông khó khăn, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của giáo viên, nhưng chưa có chế độ hỗ trợ đi lại cho đối tượng này... Tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non đang theo quy định cũng chưa phù hợp.
Còn cô Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh chia sẻ, lương giáo viên hiện chưa theo chuẩn trình độ đào tạo, gây thiệt thòi cho nhiều người, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non nên giữ ở mức 55 tuổi. Ngoài ra, đội ngũ hành chính trường học có mức lương thấp, lại không có nguồn thu gì thêm. Cô Thanh Hồng đề xuất xếp lương cấp bậc mầm non tương đương với các bậc học khác và có thêm phụ cấp cho đội ngũ hành chính.
Ông Nguyễn Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, tỉnh Đắk Nông đề xuất, cần có chế độ tiền lương cho đội ngũ làm công tác hành chính trong nhà trường...
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra. Trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành khác xem xét nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bước đầu, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính và trình Chính phủ thông qua. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, kiến nghị cần từng bước, hợp lý.
Ý kiến thầy cô trao đổi cũng đề cập đến giờ làm việc nhiều, chế độ trông trưa, số giờ trông trẻ dài hơn, đến sớm, về muộn… Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là thực tế. Với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, ít còn thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non. Một số địa phương có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên, việc này vẫn còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững bù đắp cho việc này. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong Diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD&ĐT nêu kiến nghị. Đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Nếu thời gian tới sắp xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo của Luật Giáo dục 2019, có thể kịp điều chỉnh cho các đối tượng này.
Sẽ lấy ý kiến về điều chỉnh môn học tích hợp
Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ, chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn Khoa học Tự nhiên Lịch sử và Địa lý, do đó, các giáo viên được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng chương trình này để dạy được cả môn. Việc bồi dưỡng theo khung chương trình ban hành theo Thông tư số 2454 và 2455 của Bộ GD&ĐT cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên, để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ GD&ĐT có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện, tự tin và dạy học hiệu quả hơn.
Cô giáo Hoàng Hải Vân, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Nha Trang cho biết, qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS cho thấy, đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Môn học trải nghiệm hướng nghiệp hữu ích, không gian học tập được mở rộng thông qua hoạt động trải nghiệm đến những cơ sở, địa điểm làng nghề, di tích, thắng cảnh… của địa phương; cung cấp kiến thức thực tế, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp... Tuy nhiên, việc triển khai chương trình gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập, khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả... Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS.
Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong chương trình, khi triển khai nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song, cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó khăn dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS, để đảm bảo không xáo trộn.