Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục Thừa Thiên - Huế đã đạt được, đặc biệt là việc phát triển hài hòa giữa giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; sắp xếp, quy hoạch hệ thống giáo dục khá tốt, đã tính đến yếu tố khu vực. Trong tình trạng thiếu giáo viên chung nhưng địa phương vẫn đáp ứng đủ các môn học mũi nhọn và những môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều trường học đạt chuẩn, nhà vệ sinh có hạ tầng tương đối tốt, đặc biệt là trường chuyên biệt.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, năm 2022 là năm quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với việc thay sách giáo khoa và dạy chương trình mới còn nhiều vấn đề cần lưu ý. Thừa Thiên - Huế cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ giáo viên đổi mới, đảm bảo cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị cho các trường học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hy vọng, địa phương tiếp tục đồng hành cũng như tạo điều kiện cho Đại học Huế phát triển thành Đại học Quốc gia và quan tâm hơn đến công tác Đảng trong các trường học.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, cần thận trọng, sẵn sàng phương án cho những tình huống đột xuất có thể xảy ra, đảm bảo tốt công tác thi và coi thi của toàn bộ thí sinh cũng như cán bộ tham gia kỳ thi.
Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân cho biết, tỉnh có 13.344 thí sinh dự thi, trong đó có 548 thí sinh tự do; tổ chức thi ở 37 điểm thi tại các trường trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, công tác ôn tập, chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho kỳ thi cơ bản đã hoàn thành; đảm bảo an toàn, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng cháy, chữa cháy và bảo mật đề thi.
Ngoài phòng thi chính và phòng chờ, mỗi điểm thi đều bố trí phòng thi dự phòng đảm bảo tổ chức thi khi có thí sinh dự thi mắc COVID-19 và phòng chứa đựng vật dụng học sinh cách xa 25m theo quy định. Trên 2.500 cán bộ, giáo viên và nhân viên được điều động làm nhiệm vụ công tác thi.
Đối với tình hình giáo dục và đạo tạo trên địa bàn tỉnh, quan điểm xuyên suốt của ngành giáo dục địa phương là phát triển theo hướng đạt chuẩn, chất lượng và tiếp tục hướng đến hình thành mô hình trường kiểu mẫu với các tiêu chí: xanh, an toàn, thông minh và hạnh phúc; tạo ra những điều kiện dạy, học thuận lợi tốt nhất có thể cho giáo viên và học sinh. Thời gian tới, ngành tập trung đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng môi trường giáo dục tốt để mọi nhà giáo cống hiến, đồng hành và giúp học sinh tiến bộ.
Ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế hướng đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để phục vụ quản lí, hoạch định các chính sách phát triển giáo dục đồng thời phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin vào đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả giảng dạy.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở, ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, hỗ trợ tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa giáo dục; tuyển sinh, hướng nghiệp của các trường cao đẳng; phát triển mô hình chất lượng cao…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế tuyển dụng đặc thù áp dụng riêng cho ngành giáo dục để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm; hỗ trợ việc xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng phát triển các năng khiếu cho Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc học Huế là điểm sáng về chất lượng bậc giáo dục trung học của toàn quốc.
“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ nguồn lực giúp Thừa Thiên - Huế có thêm điều kiện đi tiên phong xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số trong giáo dục và quan tâm mời gọi các nhà đầu tư xúc tiến dự án xây dựng trường ngoài công lập chất lượng cao, trường quốc tế tại Thừa Thiên - Huế nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao cho người dân” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế cho hay.