Thông tin trên được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 25/11.
Sẽ rà soát và hậu kiểm
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2022, số lượng Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động giảm còn hơn 300 Chương trình (năm 2021, cả nước có 408 Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động). Bên cạnh đó, còn hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào và hạn chế về việc hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam không thu được những tác động tích cực từ các Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài…
Thực tế này đã làm mất đi phần nào ý nghĩa và sứ mệnh của các Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là Bộ GD&ĐT đã quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm như thế nào để đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết đào tạo.
Video PGS. TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ:
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho biết: “Với những chương trình đào tạo mở ra tại Việt Nam đều thực hiện theo đúng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng như Nghị định 86/2018/NĐ-CP đều đảm bảo về yêu cầu về kiểm định cơ sở, kiểm định chương trình… Điều này cũng đúng với các trường đại học đang tự chủ thực hiện việc ký kết, liên kết đào tạo với đào tạo nước ngoài”.
Được biết, Bộ GD&ĐT chưa có thông tư dưới Nghị định 86 để quản lý trực tiếp việc tuyển sinh đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, đây sẽ là một trong những dự kiến chính sách trong chương trình đào tạo năm 2023. Thời gian tới, Bộ sẽ có thông tư để quản lý đào tạo chương trình quốc tế nhằm cụ thể hoá Nghị định 86. Đây là căn cứ tốt hơn để các cơ sở giáo dục đại học triển khai theo đúng hướng.
Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong bảng xếp hạng hàng đầu thế giới. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đây là cơ hội vô cùng tốt. Tuy nhiên, về quản lý Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định Bộ GD&ĐT tuân thủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng như Nghị định 86/2018/NĐ-CP và công tác hậu kiểm của Bộ GD&ĐT.
“Đây chuyên đề quan trọng trong năm 2023. Việc rà soát các chương trình liên kết với nước ngoài không phải làm khó các trường mà giúp chúng ta cùng nhìn lại, đánh giá những những mặt được cũng như hạn chế. Đồng thời, giúp các trường chỉ ra những phương hướng và định hướng làm tốt hơn nữa”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nói.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định: “Các chương trình liên kết đã ký từ trước đó có thể chưa đáp ứng được các tiêu chí mới nhưng khi gia hạn chương trình thì Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các chương trình phải đáp ứng được những điều kiện tối thiểu. Nếu có vi phạm xảy ra thì tuỳ vào mức độ để xử phạt hành chính trong lĩnh vực đào tạo. Bộ cũng sẽ có giải pháp thật mạnh để đảm bảo chất lượng chương trình liên kết đang có. Chương trình đào tạo không đúng thẩm quyền, hoặc lựa chọn đối tác không đảm bảo yêu cầu của Nghị định 86 thì phải dừng tuyển sinh. Điều đó có nghĩa người học không có lỗi vì các em không biết là chương trình chưa được phép. Lúc đó, cơ sở đào tạo buộc phải chuyển người học đến chương trình tương đương”.
Thực hiện các giải pháp để đảm bảo chất lượng đầu ra
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, việc xếp hạng của các trường đối tác cũng quan trọng nhưng không phải mang tính quyết định vì rất nhiều trường đại học rất tốt trên thế giới không tham gia vào bảng xếp hạng nào. Đây không phải là điều kiện cần hay đủ. Do đó, các trường nên ưu tiên những trường nào chất lượng cao. Bản thân các trường đại học Việt Nam đang được ghi nhận trong bảng xếp hạng đó và dần tiệm cận với thế giới. Đó là động lực để các trường tìm kiếm những đối tác ngày càng tốt hơn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cũng khẳng định chất lượng chương trình liên kết với nước ngoài ở Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Một phần là nhờ trình độ dân trí chung cao lên. Những học sinh ở bậc phổ thông ngày càng có kỹ năng, kiến thức tốt hơn, đặc biệt là các kỹ năng số, tự học, tự nghiên cứu tốt hơn. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học chuẩn bị các điều kiện như giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu cho sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thực tế các trường tốt bao giờ cũng thắt chặt đầu ra hơn so với đầu vào. Vì thế, đảm bảo chuẩn của đối tác đề ra, đặc biệt các trường danh tiếng là không hề đơn giản.
“Có nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có yếu tố đầu vào. Với các trường nước ngoài, yêu cầu cơ bản đối với người học là tốt nghiệp THPT, ngoại ngữ. Nhưng ở các trường ở Việt Nam thì cần có thêm các giải pháp nâng cao năng lực bản thân của tân sinh viên trước khi vào chương trình chính khoá. Đây là bước đệm để đảm bảo chất lượng đầu ra. Nếu không đảm bảo chương trình đầu ra thì không trường đại học nước ngoài nào cấp bằng”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho biết.
Liên quan đến định hướng chọn những chương trình tốt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khuyến khích các nhà trường có chương trình đào tạo quốc tế tham gia kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp các nhà trường tăng uy tín. Việc kiểm định cũng giúp các nhà trường rà soát toàn bộ quá trình đào tạo, đồng thời cũng đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp như thế nào. Kết quả kiểm định cũng mang lại những thông tin thiết thực cho người học và khẳng định chất lượng của Việt Nam trên trường quốc tế.