Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, làm sao cho hiệu quả?

Qua hai năm thực hiện bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, lứa học sinh lên lớp 6 theo đánh giá của nhiều trường THCS có chất lượng sa sút hơn so với học sinh được chấm điểm trước đây. Đây là thực tế khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng và nhà trường đau đầu.

Thông tư 30 về bỏ chấm điểm với học sinh tiểu học đang dấy lên trong dư luận nhiều băn khoăn về tính hiệu quả. Khảo sát gần đây nhất do nhóm các chuyên gia giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) phối hợp thực hiện cho thấy, có tới 63,7% giáo viên cho rằng học sinh lười học hơn trước và hơn 90% cho biết họ vất vả hơn trước.

Học sinh lười học hơn

Qua hai năm triển khai Thông tư 30, Sở GD - ĐT Hải Dương đã có những đợt kiểm tra và khảo sát khả năng thực hiện của nhiều trường tiểu học trên địa bàn. Tuy nhiên, chất lượng không như mong muốn, nhất là việc ghi lời nhận xét của giáo viên. Mặc dù Sở đã có hướng dẫn cụ thể nhưng nhiều giáo viên vẫn rất máy móc trong thực hiện. Điều này khiến học sinh, phụ huynh vốn có tâm lý nhìn nhận năng lực theo điểm số (định lượng) bị hoang mang không biết năng lực thực sự của mình ở đâu. Đặc biệt, những lời nhận xét chung chung (định tính), chưa đánh giá sát đúng năng lực học sinh, thậm chí “cào bằng”, khiến nhiều em có tâm lý lười học.

“Cuối năm, cuối kỳ mới có một kỳ thi thì học sinh có tâm lý học dồn, còn cả năm lơ là”, bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Sở GD - ĐT Hải Dương nhấn mạnh.

Giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong nhận xét học sinh tiểu học. Ảnh: Quý Trung


PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết: Hội đã tiến hành khảo sát ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD - ĐT. Phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu hỏi và tọa đàm trực tiếp 630 giáo viên tiểu học ở 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng cho thấy, có 95,2% số giáo viên được hỏi khẳng định thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên vất vả hơn so với trước đây, nhất là với giáo viên ở vùng nông thôn. 582/630 giáo viên cho rằng, phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét học sinh là 92,47 phút. Đặc biệt tại trường tiểu học thị trấn Thanh Miện (Hải Dương), một giáo viên dạy mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét 789 học sinh.

Về phía học sinh, các em không bị áp lực về điểm số nên thoải mái hơn, tự tin hơn, chủ động hơn nhưng không chăm học như trước và thiếu động lực học tập. Với câu hỏi: “Sau một thời gian thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, tinh thần học tập của học sinh như thế nào”?, khảo sát của Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, có 63,7% giáo viên cho rằng, học sinh lười học hơn trước, 30,5% cho rằng “bình thường”, chỉ 5,9% cho là “học sinh chăm học hơn trước”.

Một giáo viên trường THCS Thực nghiệm, Hà Nội cho biết: “Khi tiếp nhận học sinh từ bậc học dưới lên, trường khá bất ngờ trước chất lượng học tập của học sinh so với những năm trước (có chấm điểm). Thậm chí, nhiều giáo viên đã phải lấy kết quả của bậc tiểu học và những báo cáo tổng quan nhằm có những so sánh. Đến nay, chưa có số liệu thống kê thành hệ thống nhưng bước đầu cho thấy, kết quả học tập của học sinh có phần sa sút”.

Phụ huynh ngỡ ngàng

Chị Nguyễn Hồng Hà, một cán bộ trường ĐH Quốc gia Hà Nội có con đang theo học trường tiểu học trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầy Giấy, Hà Nội nhận xét: “Cũng là một giảng viên và theo sát việc học tập của con tôi nhận thấy việc nhận xét kết quả học tập của học sinh khá khó. Một số giáo viên bộ môn vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể, lại không bị trùng lặp là rất khó. Năm đầu thực hiện, tôi thấy nhiều giáo viên tìm cách đối phó bằng cách đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như bông hoa, ngôi sao, mặt người cười, mếu... Hoặc với lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều trường hợp, kiểu như "Em học tốt", "Em cần cố gắng hơn"...

Điều này dễ dàng hiểu khi năng lực học sinh chưa thực sự được đánh giá đúng. Theo bà Lê Đoan Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội, trường cũng có những báo cáo tổng quan về tình hình thực hiện Thông tư 30. Theo khảo sát thì nhiều phụ huynh khá sốc khi con lên lớp 6 có kết quả học tập không như mong muốn. Khi quay về đánh giá bằng định lượng, nhiều người trong đó không tin vào kết quả thực của con mình và quay ra phản ứng với nhà trường.

Bên cạnh nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân giáo viên chưa thực hiện được đúng tinh thần của Thông tư 30, mặc dù vất vả nhưng kết quả học tập của học sinh vẫn sa sút thì một bộ phận ý kiến cũng đồng tình về cách đánh giá chưa ổn. Một cán bộ phòng Giáo dục tiểu học Hòa Bình cho biết: Đánh giá về “Mức độ hình thành và phát triển năng lực” và “Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất” sẽ là rất khó trong từng bài, từng ngày, từng tuần. Đây là cả một quá trình. Điều này đã thực sự là áp lực với giáo viên.

GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: “Cần có một cuộc đánh giá tổng thể” 

Từ những báo cáo tổng quan của nhiều địa phương cho thấy, mặc dù tinh thần chủ trương của Thông tư 30 là đúng, nhưng động lực làm việc và học tập của học sinh không nâng lên được.

Những nhận xét của giáo viên là rất khó. Bởi nhận xét như thế nào và đảm bảo độ tin cậy của những nhận xét ấy là cả một vấn đề cần đưa ra thảo luận. Thang phân loại đạt hay không đạt, hoàn thành hay không hoàn thành cần được hướng dẫn chi tiết; nếu không sẽ dễ dẫn đến đánh đồng các kết quả. Đồng thời, cần xem lại khi hình thức chấm điểm đã tồn tại hàng trăm năm nay thì trình độ của giáo viên theo đánh giá cần phải xem lại. Theo tôi, Bộ cần tiến hành những nghiên cứu sâu sát và toàn diện hơn về việc thực hiện thông tư, để đưa ra hướng dẫn tiếp theo.

Cô Nguyễn Thủy Bình, giáo viên tiểu học Gia Lai: “Vùng khó vẫn khó theo” 

Là địa phương có đông học sinh dân tộc, đa phần giáo viên Gia Lai rất khó khăn khi đánh giá học sinh theo hướng đánh giá năng lực. Nguyên nhân là nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con, việc học tập vẫn phó mặc cho nhà trường. Bên cạnh đó, giáo viên tiếp cận với cách thức đánh giá học sinh còn hạn chế do chưa được tập huấn, bồi dưỡng kỹ càng. Việc nhận xét, đánh giá các em còn khó khăn vì học sinh chưa quen với cách thức học tập, ôn luyện theo đánh giá năng lực. Đa phần các em vẫn học theo thói quen thầy đọc, trò chép, học thuộc lòng...


Lê Vân
Vẫn lúng túng bỏ chấm điểm tiểu học
Vẫn lúng túng bỏ chấm điểm tiểu học

Sau gần một năm thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đến nay hầu hết giáo viên, phụ huynh và học sinh đã dần quen với cách đánh giá nhận xét thay cho điểm số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thông tư này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN