Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo, quy định giáo viên sẽ không còn chấm điểm cho HS bậc tiểu học. Thay vào đó, học sinh (HS) sẽ được đánh giá về quá trình học tập, sự tiến bộ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học; đánh giá về sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS. Việc đánh giá được thực hiện thường xuyên và người đánh giá sẽ là giáo viên, HS (tự đánh giá và nhận xét, góp ý cho bạn), khuyến khích sự tham gia đánh giá của phụ huynh HS.
Học sinh trường tiểu học Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thực hiện phương pháp học tập theo nhóm. Ảnh: Việt Hoàng |
Theo Bộ GD-ĐT, việc đánh giá đại trà HS tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 theo kiểu mới nhằm giảm bớt áp lực cho HS, coi trọng việc động viên khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện. Từ đó, giúp HS có khả năng tự đánh giá, tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ, giúp phụ huynh HS tham gia tích cực hơn vào hoạt động giáo dục của con em mình.
Chủ trương đúng đắnViệc áp dụng không chấm điểm HS tiểu học là một chủ trương đúng đắn, là bước đột phá trong cải cách ngành giáo dục. Từ nay HS tiểu học sẽ không còn phải chịu áp lực vì những điểm số 9, 10. Các em có thể vừa học vừa chơi, không lo sợ bị điểm thấp, không lo sợ bị cô giáo rầy la hay cha mẹ phạt vì điểm thấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc bỏ chấm điểm cho HS tiểu học cũng còn không ít băn khoăn từ cả 2 phía là giáo viên (người trực tiếp đánh giá HS) và phụ huynh HS.
Các bậc phụ huynh đều có tâm trạng “thở phào” bởi giảm được áp lực điểm số cho con cái ở độ tuổi vừa chập chững từ mẫu giáo bước vào bậc học mới này là vấn đề quan trọng. Với lứa tuổi này không nên tạo áp lực cho các em về những con số. Việc cho điểm số sẽ dẫn đến tình trạng các em dễ bị mặc cảm mình thua bạn, mình học kém, học dốt... Đối với học sinh tiểu học, chỉ nên cho các em vừa học vừa chơi, tạo tâm lý thoải mái cho các em; như vậy các em mới ham thích đến trường.
Mặc dù đồng tình việc bỏ chấm điểm nhưng phụ huynh cũng còn không ít lo lắng khi cầm vở của con để kiểm tra thì chỉ là những lời nhận xét một cách chung chung: “Con làm bài tốt”, “Con cần cố gắng”, “Lần sau viết cẩn thận hơn”, “Có tiến bộ”… Điều này khiến cho phụ huynh không hiểu con em mình đang ở mức độ nào để có sự kèm cặp, hướng dẫn cho các em. Hơn nữa, mặc dù trong cả năm học không chấm điểm, nhưng kỳ thi cuối năm lại chấm điểm và điểm số đó được dùng để đánh giá chất lượng HS. Như vậy, liệu áp lực về điểm số đã được “cởi bỏ” hẳn hay chưa?
Nhiều áp lực với giáo viênVề phía các giáo viên, bên cạnh niềm vui và sự hào hứng do cách làm mang nhiều tính giáo dục này, lại là nỗi lo, sự băn khoăn, trăn trở. Giáo viên sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để nhận xét, đánh giá kỹ lưỡng kết quả học tập của từng HS. Trách nhiệm của người giáo viên cũng nặng nề hơn, đòi hỏi phải có sự quan tâm chú ý dạy dỗ HS một cách toàn diện hơn, quan tâm nhiều hơn, chu đáo tỉ mỉ hơn để theo dõi các em phát triển toàn diện về mọi mặt. Trong khi đó sự quá tải về sĩ số với 32-37 em/lớp thì việc nhận xét từng em quả là không dễ dàng gì. Nhận xét sao cho học sinh và phụ huynh thấy được quá trình học của các em thay đổi mà lời nhận xét đó không rơi vào tình trạng sáo rỗng, mang tính chung chung.
Dễ dẫn đến sự nhận xét trùng lặp, theo cảm tính của giáo viên. Nếu như trong suốt quá trình đó học sinh được đánh giá là “Có tiến bộ”, nhưng đến khi kết quả thi được thể hiện bằng điểm số thấp thì sau này phụ huynh và cả học sinh sẽ rất khó tin vào những nhận xét của giáo viên. Ngược lại nếu giáo viên nhận xét không cẩn thận sẽ dẫn đến việc làm tổn thương trẻ nhỏ, vì những lời nhận xét đó sẽ ám ảnh học sinh suốt một quá trình học. Nhiều giáo viên còn tỏ ra băn khoăn là vì, nếu không dùng điểm số thì kết quả học tập sẽ không cao, không có điểm 9, điểm 10 sẽ không có sự khuyến khích, khích lệ HS mau tiến bộ.
Có thể nói, việc bỏ chấm điểm là một xu hướng tiến bộ, nhưng thay đổi cách làm cũ, thói quen cũ cần phải có thời gian và sẽ còn gặp phải không ít khó khăn. Tôi cho rằng ở lứa tuổi học sinh lớp 1 - 2 thì có thể thông qua nhận xét đánh giá, còn học sinh từ lớp 3 - 5 thì cần kết hợp cả nhận xét và cho điểm. Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải đánh giá cả quá trình. Nếu chỉ dựa vào một kỳ thi cuối cùng sẽ không đánh giá được toàn diện sức học của học sinh. Do vậy, để việc triển khai quy định mới của ngành giáo dục đạt hiệu quả như mong muốn, dĩ nhiên cần có sự phối hợp chặt chẽ cả từ ba phía: Giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Lê Thị Thúy Mong