Mặc dù hiện nay đã là giai đoạn giữa học kỳ I của năm học 2018-2019, nhưng Trường Trung học Cơ sở Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và học do thiếu giáo viên. Hiện trường này thiếu hai giáo viên dạy Toán, một giáo viên dạy Vật Lý và một giáo viên dạy Ngữ Văn.
Vì thiếu giáo viên, sau khi khai giảng năm học mới, nhà trường phải sử dụng các giải pháp tạm thời trước mắt để giữ lớp như phân công các giáo viên dạy thay, dạy thế ở những vị trí còn thiếu. Đến ngày 25/9, huyện Vĩnh Linh mới ký hợp đồng thời vụ thêm 4 giáo viên đưa về trường để dạy bổ sung ở các bộ môn còn thiếu.
Thầy Nguyễn Đăng Ánh, Phụ trách Trường Trung học Cơ sở Cửa Tùng chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất ở trường là thiếu giáo viên. Mặc dù đã được bổ sung 4 giáo viên hợp đồng thời vụ nhưng hiệu quả chất lượng dạy học chưa cao do chính những cán bộ giáo viên này ít chú tâm trong dạy học so với những giáo viên trong biên chế. Bên cạnh đó, kinh phí nguồn chi trả lương cho các cán bộ giáo viên trong hợp đồng quá ít không đủ cho giáo viên trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, mong rằng các cấp, các ngành cần tham mưu kịp thời biên chế đủ số lượng cán bộ giáo viên để nhà trường thực hiện công tác dạy và học”.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh, số lượng học sinh những năm gần đây tăng nhanh, trong khi đó số giáo viên về hưu khá đông. Trong 2 năm qua, huyện không tuyển bổ sung thêm biên chế... nên đã dẫn đến tình trạng thiếu 109 giáo viên. Năm học 2018-2019, phải mất đến 6 tuần đầu của năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mới bố trí đủ giáo viên thông qua việc bổ sung các giáo viên hợp đồng thời vụ. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Thầy Lê Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh cho biết: Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra đã lâu, một số bộ môn phải tạm dừng một thời gian để dạy thay bằng một số bộ môn khác đợi đến khi có giáo viên sẽ dạy bù lại. Do đó, nếu không có cơ chế để tuyển đủ số lượng giáo viên còn thiếu sẽ không có giáo viên đứng lớp ở những bộ môn khó có thể bố trí giáo viên dạy thay như các môn: Toán, Vật lý, Tiếng Anh.
Hiện nay, ở cấp Mầm non, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đang xử lý tiến hành ghép lớp thay vì 2 giáo viên/lớp có thể bố trí 1 giáo viên/lớp. Cũng theo thầy Lê Thanh Hải, cấp Tiểu học có thể tiến hành nhập lớp được nhưng ở cấp Trung học cơ sở rất khó…
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, Quảng Trị, so với chỉ tiêu được giao năm 2018 là 10.878 giáo viên, tỉnh còn thiếu 718 giáo viên. Các giáo viên còn thiếu chủ yếu ở bậc Mầm non với 454 giáo viên và Tiểu học với 244 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên tập trung chủ yếu ở các huyện: Đông Hà (thiếu 187 giáo viên), Đakrông (thiếu 264 giáo viên), Hướng Hóa (thiếu 208 giáo viên)… Các bộ môn thiếu giáo viên như: tiếng Anh, Toán, Tin học...
Thầy Ngô Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh cho hay, hiện tại huyện còn thiếu 37 giáo viên Mầm non, 32 giáo viên Tiểu học... Trong khi đó, số lượng học sinh mỗi lớp mầm non bây giờ là 40 - 48 cháu (theo quy định của Bộ Giáo dục, một lớp Mầm non có từ 30-35 cháu). Số lượng học sinh trong một lớp quá nhiều dẫn đến hiện tượng quá tải, không thể đảm bảo chất lượng giáo dục.
Song song với tình trạng thiếu giáo viên, trên địa bàn còn xảy ra tình trạng thừa giáo viên. Một số địa phương xảy ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên như: tại huyện Triệu Phong, hệ Tiểu học thừa 49 giáo viên, Trung học Cơ sở thừa 36 giáo viên nhưng hệ Mầm non lại thiếu 86 giáo viên. Huyện Cam Lộ, hệ Tiểu học thừa 29 giáo viên, hệ Trung học Cơ sở thừa 48 giáo viên nhưng hệ Mầm non lại thiếu gần 120 giáo viên…
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như trên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai nhiều giải pháp như phối hợp Sở Nội vụ và các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp để có phương án phù hợp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đặc biệt tại những vùng tăng trưởng lớn về quy mô học sinh.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tham mưu tới các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo đúng quy định.
Tuy nhiên, để tuyển bổ sung được đủ đội ngũ giáo viên biên chế phải tốn thời gian khá dài, cùng với đó việc điều hòa biên chế tại chỗ phải trải qua nhiều khâu, do đó sẽ làm chậm việc phân bố, điều hòa lại giáo viên giữa các trường. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, về lâu dài đây vẫn là bài toán khó đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện Sở cùng các địa phương đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dịp đầu năm. Trước mắt, Sở tích cực phối hợp với Sở Nội vụ cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại số lượng giáo viên thừa thiếu ở các trường học, các bộ môn, qua đó, có phương án tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, sở và các địa phương thực hiện việc điều chuyển, luân chuyển, biệt phái các giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, đặc biệt ở một số môn như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ thực hiện dạy liên môn.