Báo động bạo lực lứa tuổi học đường - Bài 1: Liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng

Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ học sinh xô xát, đánh nhau và quay lại clip đăng tải lên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Dù trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo gửi đến các đơn vị trực thuộc về việc ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng trên. 

Phóng viên TTXVN tại địa bàn thực hiện 2 bài viết về cảnh báo thực trạng này.

Bài 1: Liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng

Có thể nói nhiều vụ học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực được đăng tải trên mạng xã hội đang gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường. Không ít vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân; ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh và học sinh.

Mới đây nhất theo báo cáo của Trường Trung học Cơ sở Thọ Sơn, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, khoảng 8 giờ ngày 18/3, tại phòng học lớp 9B của trường, học sinh N.V.A (15 tuổi) đã bất ngờ dùng dao chuẩn bị trước đâm 2 nhát vào sườn trái của L.X.T (15 tuổi, là bạn cùng trường) đang ngồi học trong lớp. Hậu quả, nam sinh T bị trọng thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Điều đáng nói là sự việc xảy ra chỉ vì những xô xát rất nhỏ trong quá trình chơi thể thao nhưng do học sinh thiếu kỹ năng xử lý tình huống đã dẫn đến hành động bột phát, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, khoảng giữa tháng 2/2023, xuất hiện 3 đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng. Trong đó có 2 đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng tại một bãi đất trống, một đoạn clip dài hơn 11 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh tại nhà riêng.

Nội dung các đoạn clip đều ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhóm bạn liên tục túm tóc, lột đồ, đánh dã man ... kèm theo đó là nhiều câu văng tục, chửi thề… mặc cho nữ sinh này quỳ gối, gào khóc, van xin thảm thiết. Điều đáng nói, sự việc diễn ra có sự chứng kiến của nhiều học sinh, nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, quay clip. Sau khi đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra vô cùng bức xúc trước hành động bạo lực của nhóm học sinh này. Qua xác minh của Công an thành phố Sầm Sơn, nữ sinh bị đánh là học sinh Trường Trung học Cơ sở Quảng Đại, xã Quảng Đại.

Gần đây nhất vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 19/3, do mâu thuẫn trong quá trình chụp ảnh kỷ yếu, một nhóm học sinh lớp 12 Trường Trung học Phổ thông Đông Sơn 1, 2 và Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Mộng Tuân (huyện Đông Sơn) đã dùng xe mô tô đuổi đánh nhau, xe bị đổ đè lên một học sinh gây thương tích. Vụ việc đang được Công an huyện Đông Sơn giải quyết theo quy định.

Đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian gần đây. Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đều xuất phát từ những điều rất nhỏ nhặt như mâu thuẫn nhỏ trong quá trình chơi thể thao, trên mạng xã hội, nhìn đểu, nói xấu sau lưng, nhìn không vừa mắt... Trước tình trạng này, nhiều phụ huynh học sinh cũng tỏ ra khá lo ngại về công tác quản lý, giáo dục học sinh, con em trên địa bàn tỉnh, bởi tình trạng bạo lực lứa tuổi học đường ngày càng gia tăng về cả trường hợp và mức độ vụ việc.

Chị Trịnh Thị Lam, phụ huynh học sinh cho biết, gần đây trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các đoạn clip ghi lại cảnh học sinh bạo lực, dẫn đến những tổn hại về sức khỏe và tinh thần của học sinh, phụ huynh rất hoang mang, lo lắng. Chị thường xuyên nhắc nhở con tuyệt đối không được giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi bạo lực, tuy nhiên cũng rất mong muốn nhà trường có các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh và tạo môi trường học an toàn cho các em.

Bạo lực lứa tuổi học đường không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây có nhiều sự việc mang tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Để góp phần hạn chế tình trạng này, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh; giáo viên chủ nhiệm cần sâu sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm và diễn biến tâm lý của học sinh hằng ngày để kịp thời giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn giữa các học sinh. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục; hướng dẫn học sinh các kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, nhất là các kỹ năng xử lý tình huống khi bị bạo lực học đường...

Bài cuối: Cần có giải pháp kịp thời 

Khiếu Tư - Nguyễn Nam (TTXVN)
Báo động bạo lực lứa tuổi học đường - Bài cuối : Cần có giải pháp kịp thời
Báo động bạo lực lứa tuổi học đường - Bài cuối : Cần có giải pháp kịp thời

Các vụ bạo lực lứa tuổi học đường đang có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đáng quan tâm là yếu tố từ bản thân học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN