Ban phụ huynh tiếp tay cho lạm thu

Thay vì đứng ra đảm bảo hoạt động học tập, kết nối giữa gia đình và nhà trường, những năm gần đây, Ban phụ huynh đã trở thành... ban thu tiền mỗi mùa tựu trường.

“Trăm dâu đổ đầu tằm”

Chị Nguyễn Thị Hiền (đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) có con đang học trường tiểu học công lập trên địa bàn này bức xúc: “Đầu năm tôi vừa đóng các khoản hết 5 triệu đồng, giờ lại có tin nhắn đóng thêm 1 triệu nữa, và người đứng ra thu là Ban phụ huynh học sinh. Cô giáo không thu được thì Hội cha mẹ học sinh sẽ là người thu. Tôi nghĩ Hội này giờ vì lợi ích của nhà trường rồi, chứ không phải vì con em nữa”.


Dù không nói ra trong cuộc họp nhưng ngày càng nhiều phụ huynh bất bình với ban đại diện phụ huynh khi hoạt động không đúng chức năng. Ảnh: phutho.edu.vn


“Có nhiều khoản cô giáo “bật đèn” cho đại diện Ban phụ huynh đứng ra thuyết phục. Họ bằng cách này hay cách khác đều nói rằng: Như vậy để con cái được học hành đầy đủ hơn. Thậm chí, nhân dịp nọ, nhân ngày kia, họ cũng đứng ra tổ chức mua quà bày tỏ “sự quan tâm bằng vật chất” với các cô ra sao để con cái được chăm sóc tốt... Hay ngay cả những hoạt động chung như: Dã ngoại, Trung thu... họ cũng tìm cách bày biện, tổ chức mâm cỗ Trung thu cho các con để đem đi thi. Sau đó đứng ra thu tiền của phụ huynh. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với ban đại diện này”, chị Hiền cho hay. Chị Hiền cho biết thêm, quỹ phụ huynh của lớp phải chi những khoản như tiền an ninh; tiền vệ sinh, trông xe; mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cho cán bộ quản lý, giáo viên...

Cùng nỗi niềm như chị Hiền, chị Tạ Phương Anh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ sự bức xúc: “Đừng nghĩ phụ huynh chúng tôi không biết, trong buổi họp phụ huynh đã thấy rõ sự kết nối giữa cô giáo và Ban phụ huynh. Cô giáo nói rất ít, chỉ là khơi ra vấn đề, còn đa số giải thích rõ hơn những thắc mắc đều là do “vị đại diện” này. Những giải đáp đều thuận theo hướng “ủng hộ”, “phải đóng tiền”. Nhiều phụ huynh còn “kháo” nhau, cô giáo đã “chọn mặt gửi vàng” với những vị đại diện này”.

“Thường những vị đại diện này gia đình rất có điều kiện là những người có vị trí tốt trong xã hội... Thật không oan khi nói ban này là “cánh tay đắc lực” cho nhà trường về các hoạt động chung”, chị Phương Anh bày tỏ.

Nhưng chính những “vị đại diện” này cho biết, họ cũng không hề sung sướng gì khi được “ấn” cho “chức” này ở nhà trường. Chị Nguyễn Hường, một chủ doanh nghiệp có tiếng ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, đã 5 năm là Trưởng ban phụ huynh của lớp con gái chị. Chị Hường cho biết: “Trước buổi họp phụ huynh khi con vào lớp 1, tôi được cô giáo gặp riêng và “giao trọng trách”. Buổi họp phụ huynh đầu tiên cô giáo đã đề nghị về việc bầu Trưởng ban phụ huynh lớp. Đa số phụ huynh cũng là người quen biết nhau nên đều nhất trí.

Không làm thì không được, mà làm thì tôi biết rõ những phiền phức cô giáo gửi gắm. Thôi thì “vì tương lai con em chúng ta” mà tôi chấp nhận bỏ thời gian để làm vị trí này. Nhưng những gì chúng tôi làm đơn thuần theo sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường chứ thực sự chưa biết đến điều lệ hội. Vì vậy, vẫn cứ nghĩ mình đang làm tốt cho con mình, cho nhà trường”.

Sai chức năng là lỗi của nhà trường

Năm 2011, Bộ GD - ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó ghi rõ không được sử dụng quỹ cha mẹ học sinh vào những việc nằm ngoài hoạt động trực tiếp của ban đại diện như bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; tiền an ninh; tiền vệ sinh, trông xe; khen thưởng cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường... Nhưng những năm gần đây, việc thu chi từ quỹ phụ huynh hầu hết đều chỉ phục vụ cho các việc trên. Như vậy Ban phụ huynh đã hoạt động sai chức năng.

Chức năng chính mà Điều lệ đại diện cha mẹ học sinh nêu ra là nâng cao chất lượng học tập, giám sát hoạt động của nhà trường. Bộ GD - ĐT cho biết, với những quy định mà Bộ đã ban hành, thì ban đại diện cha mẹ học sinh không có quyền và trách nhiệm thu tiền học, các khoản đóng góp cho nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào.

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD - ĐT cho biết, những vấn đề thu sai quy định như thế này là do địa phương quản lý xử lý, bởi Bộ GD - ĐT đã phân cấp rõ ràng. Tuy nhiên, cần làm rõ rằng, ở đây những ý kiến của phụ huynh hay đại diện Ban phụ huynh chưa bàn tới, mà nên nói tới trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường. Chính lãnh đạo phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên đối với việc để xảy ra những chuyện lạm thu, thu góp trái quy định. Nếu trường nào làm sai, phải xử lý nghiêm hiệu trưởng.

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị H, hiệu phó một trường tiểu học quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, Ban phụ huynh lớp là do phụ huynh bầu, khi đưa ra các hoạt động đều có sự đồng thuận. Đồng thời, nhà trường cũng có những buổi họp giữa các đại diện phụ huynh các lớp, những cuộc họp này đều thống nhất về phương thức hoạt động, trách nhiệm và cách làm ra sao. Vì vậy không thể nói đại diện phụ huynh không nắm rõ được cách hoạt động và không thể nói trách nhiệm thuộc về nhà trường.

Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng rõ ràng với những bức xúc của các phụ huynh, đã đến lúc Ban phụ huynh cần hoạt động theo đúng quy định, cũng như thực sự là tiếng nói bảo vệ quyền lợi của phụ huynh, thay vì thành cái “loa” cho lạm thu hiện nay.

LV

Bộ Giáo dục đề nghị các tỉnh cùng chống lạm thu trong trường học
Bộ Giáo dục đề nghị các tỉnh cùng chống lạm thu trong trường học

Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đạo đã ra thông tư cấm Ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN