Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai mô hình trường học mới

Ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng Phòng giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, năm học 2014-2015, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai Mô hình trường  học mới VNEN tại 50% số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.


Một giờ học của học sinh trường tiểu học Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là 1 trong 48 trường tự nguyện nhân rộng mô hình VNEN của tỉnh Hà Tĩnh.


Được biết, trước đó trong năm học 2012-2013, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh thành đầu tiên trên cả nước đã áp dụng thí điểm mô hình trường học mới VNEN tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Đến nay, sau 2 năm học áp dụng mô hình trường học mới, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã gặt hái được những thành tích cao nhất từ trước tới nay như: 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, gần 60% học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và tiên tiến, đội thiếu niên tiền phong của trường đạt danh hiệu Lá cờ đầu của bậc tiểu học cấp huyện và cấp tỉnh, trường đạt danh hiệu lao động tiến tiến xuất sắc cấp cơ sở và giữ vững đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

 

Theo các giáo viên, áp dụng mô hình trường học mới, hầu hết học sinh trở nên tự tin, mạnh dạn và chủ động hơn hẳn so với học sinh cùng khối lớp học với mô hình truyền thống. Hiệu quả của mô hình này có ý nghĩa đối với một ngôi trường có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số học tập, lại thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

 

Trong năm học 2013-2014, tỉnh cũng đã triển khai thêm mô hình trường học mới tại 2 trường tiểu học ở huyện Châu Đức là trường tiểu học Phú Xuân và Ngãi Giao. Còn trong năm học 2014-2015, mô hình này được triển khai ở 65 trường tiểu học với 291 lớp 2, học 2 buổi/ngày, tổng số học sinh tham gia học mô hình này là 8.972 em. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo các trường nhân rộng chủ động đăng ký số lượng sách hướng dẫn để kịp thời cung cấp cho học sinh trong năm học mới, chuẩn bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ hoạt động dạy và học nhằm đáp ứng được yêu cầu của mô hình trường học mới này.

 

Qua 2 hơn tháng nhân rộng mô hình này tại 65 trường, hiệu quả ban đầu cho thấy: Học sinh được tự quản đã phát huy được sự chủ động, khả năng phát triển trí tuệ , việc tương tác giữa học sinh và học sinh, giữa học sinh và giáo viên tốt hơn, lớp học sinh động, giúp học sinh thích học, tạo được sự hứng thú cho giáo viên khi giảng dạy cho học sinh.

 

Tuy nhiên, tại một số trường, nhất là các trường vùng đô thị của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Theo nhiều giáo viên ở khu vực đô thị, với diện tích lớp hẹp chỉ khoảng 45m2, sĩ số lớp đông rất khó sắp xếp bàn ghế học theo mô hình này, giáo viên đi lại trong lớp cũng gặp nhiều bất tiện do chật hẹp. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình này, giáo viên gặp nhiều áp lực hơn trong việc làm đồ dùng học tập. Cùng với đó, bàn ghế dành cho mô hình này cũng chưa phù hợp, do là ghế liền bàn nên học sinh ngồi theo mô hình học mới sẽ khó quan sát, theo dõi hành động của giáo viên và các bạn hơn, việc quan sát lên bảng cũng khiến các em gặp nhiều khó khăn.

 

Thiết nghĩ, việc đổi mới mô hình dạy và học để ngày càng phù hợp yêu cầu là rất cần thiết, nhưng việc đổi mới cũng cần có sự đầu tư, đổi mới về cơ sở, vật chất, thiết bị trường, lớp cho phù hợp hơn. Việc áp dụng mô hình này cũng cần có thêm thời gian cũng như việc lựa chọn trường, lớp sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới, giúp giáo viên cũng như học sinh tiếp cận dễ dàng hơn.


 

Hoàng Nhị

 

Mô hình trường học mới ở TP. HCM
Mô hình trường học mới ở TP. HCM

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học mới 2014 – 2015 có 51 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới VNEN và 104 trường tiểu học sẽ thí điểm từng phần mô hình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN