TTXVN thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Lào - Phần cuối

Cùng với việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, một nhiệm vụ khác mang tính quyết định đối với sự tồn tại của KPL là hoạt động thông tin.


VNTTX và các chuyên gia VNTTX làm việc tại Lào luôn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo KPL để tạo nguồn tin “đầu vào” cũng như bảo đảm chất lượng các sản phẩm thông tin “đầu ra”. Tuy mới thành lập, nhưng KPL có khá nhiều loại tin: tin trong nước, tin thế giới, tin đối ngoại và tin tham khảo, đồng thời sản xuất cả ảnh thời sự, ảnh chuyên đề.

Một nguồn tin quan trọng góp phần “nuôi sống” KPL chính là từ các “tổ thông tấn” hoạt động ở các mặt trận, các địa phương gửi về. Mỗi “tổ thông tấn” này thường gồm có các phóng viên tin, ảnh (hoặc có nơi chỉ có phóng viên tin), điện báo viên của VNTTX cùng hoạt động với phóng viên KPL (cũng có nơi không có phóng viên KPL). Các phóng viên tin, ảnh của VNTTX hoạt động ở chiến trường Lào, không chỉ trực tiếp tác nghiệp để có tin, ảnh thời sự phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, mà còn giúp huấn luyện, đào tạo tại chỗ thành nghề cho nhiều phóng viên tin, ảnh của KPL.

Gia đình Chủ tịch Xuphanuvong với chuyên gia VNTTX tại Sầm Nưa năm 1972 (người đứng giữa phu nhân và con gái của Chủ tịch là nhà báo Đặng Kiên).


Ngay từ khi ra đời, KPL đã cung cấp thông tin tham khảo về tình hình thế giới phục vụ lãnh đạo cách mạng Lào và lãnh đạo các đoàn chuyên gia Việt Nam, đồng thời phát tin thế giới phổ biến cho Đài phát thanh Pathét Lào và một số cơ quan báo chí, truyền thông khác ở vùng giải phóng Lào. Nguồn tin thế giới này (cả tham khảo và phổ biến) được VNTTX “tiếp sức” đều đặn hằng ngày cho KPL.

Khi mới thành lập, lại trong điều kiện chiến tranh, KPL chưa đủ khả năng về nhân lực và thiết bị kỹ thuật để thực hiện thông tin đối ngoại. VNTTX đã giúp KPL làm bản tin đối ngoại tiếng Anh hàng ngày từ đầu năm 1969 đến hết năm 1978 (bản tin đề xuất xứ từ Lào, nhưng thực tế được thực hiện và phát sóng bí mật tại Hà Nội).

Trong thời kỳ chiến tranh, làm việc trong các hang động ở Phu Khe thường xuyên ẩm ướt, KPL không có điều kiện lưu trữ và bảo quản phim, ảnh tư lỉệu. Trong suốt mấy chục năm, VNTTX đã giúp biên tập, sắp xếp, lưu trữ và bảo quản một khối lượng lớn phim, ảnh do các phóng viên của VNTTX và KPL chụp trong các giai đoạn cách mạng ở Lào. Năm 1996, TTXVN đã bàn giao cho KPL 6.472 kiểu phim tư liệu gốc. Đây là nguồn phim ảnh tư liệu lịch sử vô giá về cách mạng Lào và có lẽ cũng là nguồn phim ảnh tư liệu lớn nhất về lịch sử cách mạng Lào mà CHDCND Lào có được cho đến nay.

Hệ thống kỹ thuật phục vụ việc thu, phát tin, ảnh cũng là yêu cầu sống còn của một hãng thông tấn. Ngoài một số nguồn viện trợ không nhiều từ bên ngoài, KPL hoàn toàn dựa vào sự chi viện về máy móc, thiết bị, vật tư của VNTTX và nhất là lực lượng chuyên gia kỹ thuật của VNTTX và Tổng cục Bưu điện Việt Nam. Lúc đầu, phương tiện truyền tin còn lạc hậu (sử dụng công nghệ Morse), nhưng từ đầu năm 1969, VNTTX đã giúp KPL các thiết bị thu tin bán tự động và tự động sử dụng công nghệ telex. Nhờ vậy, đường liên lạc thu phát tin hai chiều giữa Tổng xã KPL ở Phu Khe với các phân xã KPL ở địa phương hoặc với Đài B1 (Đài phát thanh Pathét Lào đặt tại Nho Quan, Ninh Bình) và Tổng xã VNTTX tại Hà Nội luôn thông suốt.

Thời kỳ chiến tranh, KPL thiếu thốn đủ thứ. Máy móc, thiết bị thiếu đã đành; ngay cả giấy cuộn thu tin, giấy đục băng teletype để phát tin, rồi máy ảnh, phim chụp ảnh, giấy ảnh, thuốc ảnh... KPL đều trông cậy vào VNTTX. VNTTX đã sẻ cho bạn mọi thứ bạn thiếu mà việc vận chuyển thiết bị, máy móc và vật tư bằng đường bộ sang Sầm Nưa không dễ trong hoàn cảnh máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cả ở Việt Nam và ở Lào.

Tháng 7 năm 1972, Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (khi đó chưa ra công khai) và Trung ương Mặt trận Lào yêu nước cử một đoàn cán bộ cao cấp, do đồng chí Phun Xipaxớt (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Lào) dẫn đầu, vào Viêng Chăn để đàm phán với phía Viêng Chăn về lập lại hòa bình và hòa hợp dân tộc, dẫn đến việc ký Hiệp định Viêng Chăn ngày 21 tháng 2 năm 1973. KPL được giao nhiệm vụ phải bảo đảm thông tin tuyên truyền kịp thời về quá trình đàm phán và nhất là về sự kiện ký hiệp định một khi cuộc đàm phán đạt được kết quả.

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài phóng viên tin, ảnh, KPL phải đưa thiết bị và nhân viên kỹ thuật vào thủ đô của Lào để thiết lập một đường thông tin liên lạc giữa Phu Khe và Viêng Chăn. Theo yêu cầu của KPL, VNTTX đã giúp bồi dưỡng cấp tốc cho cán bộ kỹ thuật của Bạn về máy thu phát, cách vận hành, tháo lắp máy và sửa chữa máy, đồng thời viện trợ cho Bạn thiết bị kỹ thuật đưa vào Viêng Chăn. Nhờ vậy, thông tin về hoạt động của đoàn đàm phán của đồng chí Phun Xipaxớt và nhất là về sự kiện ký Hiệp định Viêng Chăn ngày 21/2/1973 được truyền về Phu Khe và Hà Nội rất kịp thời.

KPL ngày càng trưởng thành và tự đảm đương được nhiều khâu công việc. Từ năm 1972, VNTTX bắt đầu rút dần chuyên gia, trước hết là các phóng viên tin, ảnh. Sau thắng lợi của cách mạng Lào với sự ra đời của nước CHDCND Lào ngày 2/12/1975, KPL chuyển từ căn cứ kháng chiến Phu Khe về thủ đô Viêng Chăn.

Với thắng lợi trọn vẹn của cách mạng Lào, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, trong đó có các chuyên gia VNTTX, được rút hết về nước theo chủ trương chung của hai Đảng và hai Nhà nước. Sau khi rút hết chuyên gia, VNTTX vẫn tiếp tục dành cho KPL sự giúp đỡ hết lòng về nhiều mặt, trên tinh thần vô tư, trong sáng.

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và công nhân viên TTXVN đối với cách mạng Lào, Đảng và Nhà nước CHDCND Lào đã tặng TTXVN, 3 đơn vị và 152 cá nhân thuộc TTXVN Huân, Huy chương các loại, trong đó TTXVN, 3 tập thể và nhiều đồng chí được tặng Huân chương Itxala (Huân chương Tự do) hạng nhất.

Phát biểu tại buổi lễ đón nhận Huân, Huy chương các loại của Lào do TTXVN tổ chức ngày 26/9/2006 tại Hà Nội, Bộ trưởng Thông tin - Văn hóa Lào khi đó - đồng chí Mủnkẹo Olạbun - xúc động nói: “Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đối với sự giúp đỡ to lớn, chí tình, chí nghĩa của TTXVN dành cho TTX Pathét Lào... Công lao của các đồng chí sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí chúng tôi.”

Nguyễn Quốc Uy (Nguyên TGĐ TTXVN)
TTXVN-Trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước
TTXVN-Trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước

Trong hệ thống báo chí cách mạng, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan thông tấn báo chí luôn đứng ở tuyến đầu, là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận chính trị-tư tưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN