TTXVN thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Lào

Trong lịch sử 70 năm TTXVN, có một chương để lại dấu ấn khó quên: Thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia.


Trong 20 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào (1955 - 1975) và suốt mấy chục năm sau đó, TTXVN đã cử hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên tin, ảnh, cán bộ kỹ thuật và công nhân viên sang công tác tại Lào và trực tiếp giúp xây dựng, phát triển Thông tấn xã Pathét Lào, góp phần không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. 

Chuyên gia nhiếp ảnh VNTTX Hoàng Kim Hùng (người mặc áo trắng) đang hướng dẫn các học viên Lào về cấu tạo máy phóng ảnh (tháng 3/1961). Ảnh: Tư liệu  TTXVN


Ngay từ năm 1955, VNTTX (TTXVN ngày nay) đã cử phóng viên tin, ảnh sang tác nghiệp tại Sầm Nưa - một trong hai tỉnh ở Bắc Lào mà các lực lượng Pathét Lào tập kết theo quy định của Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Đầu những năm 1960, VNTTX tiếp tục cử thêm một số phóng viên tin, ảnh và nhân viên kỹ thuật sang làm nhiệm vụ quốc tế tại các địa bàn do lực lượng kháng chiến Lào kiểm soát, góp phần phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao và công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng giải phóng Lào. Các phóng viên và cán bộ kỹ thuật của VNTTX không chỉ tác nghiệp chuyên môn để thông tin, tuyên truyền về cách mạng Lào, mà còn mở các lớp huấn luyện về nghiệp vụ cho cán bộ của cách mạng Lào mà thời kỳ đó chưa tổ chức được cơ quan thông tấn.

Rất nhiều tin, bài và hình ảnh về các sự kiện chính trị quan trọng của cách mạng Lào trong giai đoạn này như Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào năm 1955 (sau đổi tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào), Đại hội thành lập Neo Lào Hắcxạt (Mặt trận Lào yêu nước) năm 1956 (đổi tên từ Mặt trận Lào Ítxala), hoặc các lần hòa hợp dân tộc năm 1957 và 1962, do các phóng viên tin, ảnh VNTTX thực hiện, đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về cách mạng Lào. Nhiều bức ảnh lịch sử vẫn được lưu giữ đến nay, được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Việt Nam và Lào.

Trong hai năm 1964 - 1965, VNTTX mở một lớp nghiệp vụ báo chí ngay tại vùng giải phóng Sầm Nưa với sự tham dự của 20 học viên Lào, trong đó có một số người khi đó đang làm việc tại báo Lào Hắcsạt - cơ quan ngôn luận của Neo Lào Hắcsạt.

Nửa cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, thêm nhiều phóng viên tin, ảnh và nhân viên kỹ thuật của VNTTX được cử đến Sầm Nưa, Luổng Phạbăng, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Xavannakhét và một số tỉnh khác của Lào, trực tiếp tác nghiệp tại nhiều mặt trận đang diễn ra chiến sự ác liệt như Nậm Bạc, Cánh đồng Chum, đường 9 Nam Lào…

Trong thời kỳ Thông tấn xã Pathét Lào (KPL) chưa được thành lập, tin, bài, ảnh do phóng viên VNTTX thực hiện từ các mặt trận và các vùng giải phóng Lào được gửi về khu căn cứ Trung ương của cách mạng Lào ở Sầm Nưa chủ yếu để phục vụ lãnh đạo các lực lượng kháng chiến Lào, lãnh đạo các đoàn chuyên gia Việt Nam và cung cấp cho Đài phát thanh Pathét Lào và báo của Mặt trận Lào yêu nước, đồng thời chuyển về “Tổng hành dinh” VNTTX ở Hà Nội để xử lý rồi phát cho các báo ở Việt Nam và thế giới.

Tin đầu tiên về chiến thắng Nậm Bạc mà Đài phát thanh Pathét Lào phát đi đầu năm 1968 là của phóng viên VNTTX Đặng Kiên điện thẳng từ mặt trận về Phu Khe (Đại bản doanh của cách mạng Lào). Và chính tin này đã tạo cảm hứng để nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn hóa lớn, nhà cách mạng Xixanạ Xixản (Sisana Sisane), khi đó là Giám đốc Đài phát thanh Pathét Lào và Thông tấn xã Pathét Lào (KPL), sáng tác chỉ trong 15 phút bài hát “Nam Bac thì mi xay” (Chiến thắng Nậm Bạc), kịp thời cổ vũ quân và dân Lào cũng như quân tình nguyện Việt Nam sau chiến thắng lịch sử này. (Nậm Bạc là một địa danh thuộc tỉnh Luổng Phạbăng ở Bắc Lào. Tại đây, Mỹ và tay sai xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh, gồm 20.000 tên, phần lớn là lính thiện chiến của Vàng Pao. Chiến dịch tấn công Nậm Bạc của Quân tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng Pathét Lào diễn ra đầu năm 1968, phối hợp với cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân ở Việt Nam).

Ngày 6/1/1968, từ Sầm Nưa, Thông tấn xã Pathét Lào - Khaosản Pathét Lào (KPL) - chính thức phát đi những tin tức đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của cơ quan thông tấn cách mạng của Lào.

Trong điều kiện chiến tranh cực kỳ gian khổ và thiếu thốn đủ bề, VNTTX vẫn ưu tiên dành mọi sự giúp đỡ cần thiết cho KPL, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ và vật tư, trang thiết bị kỹ thuật. Nhờ vậy, ngay từ buổi đầu, KPL đã có một cơ cấu tổ chức khá hoàn chỉnh, từ các bộ phận tin, ảnh, kỹ thuật thu phát tin, kỹ thuật buồng tối, phiên dịch, đánh máy…

VNTTX tập trung giúp KPL phát triển nguồn nhân lực. Bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, VNTTX đã giúp KPL từng bước có được đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tin, ảnh và kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đủ khả năng quản lý và vận hành một hãng thông tấn. Nhiều cán bộ KPL sau này đã trở thành những cán bộ cao cấp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hoạt động trong các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, thông tin, báo chí… như Bộ trưởng Xixanạ Xixản, Thứ trưởng Buntêng Vôngxay, Chủ tịch Hội nhà văn Lào Chănthi Đươnxavẳn v.v. .

(còn tiếp)

Nguyễn Quốc Uy (Nguyên TGĐ TTXVN)
Ghi dấu ấn sâu sắc hoạt động của Thông tấn xã Giải phóng
Ghi dấu ấn sâu sắc hoạt động của Thông tấn xã Giải phóng

Ngày 6/9, đại diện Ban Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực phía Nam đã đến khảo sát, nhằm trùng tu công trình bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN