Cách đây 66 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Kể từ đó đến nay, đất nước ta đã thực hiện được hàng trăm phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của từng giai đoạn cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 1/1967. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phong trào thi đua. Ngày 11/6/1948, Người đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc vì mục tiêu: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà là đều có thể và cần phải thi đua. Người đã từng nói, “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”. Người lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập; lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.
Trong các cuộc nói chuyện ở các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đề cập tới công tác thi đua. Trong vòng 20 năm (kể từ năm 1948 đến 1968), Người đã có hơn 30 bài nói, bài viết, thư khen về công tác thi đua, chưa kể các văn bản quy phạm pháp luật do Bác ký ban hành về công tác thi đua. Bác thường dạy: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khi đọc các báo, tài liệu hay bản tin có nêu gương "người tốt, việc tốt" trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, Bác đều đánh dấu, đề nghị xác minh và khen thưởng kịp thời. Bác còn gửi tặng Huy hiệu của Người cho những ai làm được việc tốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, thi đua của chúng ta là thi đua yêu nước XHCN; thi đua phải lâu dài, rộng khắp, phải có lãnh đạo đúng, có chuẩn bị tốt, có đôn đốc kiểm tra, có tổng kết khen thưởng và phổ biến kinh nghiệm rộng rãi...
Thực tiễn 66 năm qua đã chứng minh lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” và tư tưởng về thi đua yêu nước của Hồ Chủ tịch đã thực sự thấm sâu vào quần chúng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân ta luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công) đạt danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III (1962). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trải qua các thời kỳ cách mạng, lúc thuận lợi, khi khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua luôn luôn được giữ vững và phát triển ngày càng sâu rộng, trở thành truyền thống, thành kinh nghiệm quý báu của Đảng, của nhân dân ta. Thi đua thực sự là động lực thúc đẩy nhân dân ta nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Từ các phong trào thi đua kháng chiến chống thực dân Pháp như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Bình dân học vụ”… đến các phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”… đã phát triển liên tục góp phần quan trọng trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc.
Bước sang thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trong từng lĩnh vực đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành tham gia tích cực, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước, đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.
Phong trào thi đua trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, “thi đua là yêu nước”, “yêu nước thì phải thi đua”, “càng khó thì càng phải thi đua” đã và sẽ mãi được Đảng, nhân dân ta kế thừa và phát huy và đó cũng chính là nền tảng tư tưởng cho các phong trào thi đua yêu nước của chúng ta ngày nay. |
chính quyền, đoàn thể phát triển mạnh mẽ. Các phong trào thi đua được các ngành, các đoàn thể nhân dân tổ chức và phát động đã trở thành động lực cách mạng góp phần quan trọng vào những thành tựu chung. Đó là các phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Giúp nhau xoá đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Xứng danh anh bộ đội cụ Hồ”, “Tiến quân vào khoa học công nghệ” đã thực sự trở thành nơi biểu dương lực lượng, ý chí, quyết tâm và hành động cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân.
Từ các phong trào thi đua ấy đã xuất hiện các các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, xuất sắc… Đằng sau mỗi tấm gương thi đua là tấm lòng yêu nước và yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, một tình nghĩa tương thân, tương ái đối với đồng bào, đồng chí và đồng đội; một quyết tâm làm giàu cho mình và cho đất nước; một ý chí vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Làm tốt công tác thi đua khen thưởng sẽ góp phần phát huy truyền thống cần cù lao động, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của dân tộc, sớm hoàn thành được mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN