Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi Nelson Rolihlahla Mandela - hiện thân cho tiến trình hòa giải dân tộc của Nam Phi sinh ngày 18/7/1918. Nelson Mandela đã dành trọn đời mình cho cuộc đấu tranh chung của nhân loại nhằm xây dựng thế giới ngày một tươi đẹp hơn.
Được tôn vinh như vị cha già dân tộc của Nam Phi, ông Nelson Mandela là chính khách nổi tiếng cả thế giới vì sự đấu tranh không mệt mỏi để loại bỏ chủ nghĩa Apartheid (phân biệt chủng tộc giữa người da trắng thiểu số và người da đen đa số tại Nam Phi trong quá khứ) và tiến tới xây dựng một xã hội dân chủ đa chủng tộc.
Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918, trong một gia đình tù trưởng thuộc bộ tộc Thembu, ở vùng Transkeian, Nam Phi. Thời niên thiếu, những câu chuyện cổ tích về những người anh hùng đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh giải phóng người da đen trong tâm trí chàng trai trẻ.
Trẻ em thắp nến bày tỏ lòng tiếc thương cựu Tổng thống Mandela ở Karachi, Pakistan ngày 6/12/2013, một ngày sau khi ông qua đời. Ảnh: THX/TTXVN |
Nelson Mandela đã theo học tại nhiều trường đại học ở Nam Phi, nơi ông học các ngành chính trị học, nhân chủng học và luật học; đồng thời tham gia các hoạt động chính trị. Trong thời kỳ này, ông nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), trở thành thành viên sáng lập của Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC. Sau khi phái dân tộc chủ nghĩa Afrikaner trong đảng Dân tộc lên nắm quyền vào năm 1948 và bắt đầu thực hiện chính sách Apartheid, ông đã nổi lên như một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của ANC và được bầu làm Chủ tịch Đảng bộ tỉnh Transvaal lúc bấy giờ. Ông đã bị bắt giam nhiều lần và đến năm 1964, bị chính quyền Apartheid kết án tù chung thân vì âm ưu lật đổ chính quyền.
Ông từng tuyên bố đanh thép: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã hiến dâng bản thân cho cuộc tranh đấu của người dân châu Phi. Tôi chống lại sự thống trị của người da trắng và tất cả những kẻ thống trị. Tôi ấp ủ trong lòng lý tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó tất cả mọi người đều cùng nhau sống trong thuận hòa và có cơ hội ngang bằng. Đó là một lý tưởng tôi hy vọng sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần thiết, tôi cũng đã chuẩn bị chết vì lý tưởng này”.
Trong 27 năm bị giam cầm tại đảo Robben rồi tại các nhà tù Pollsmoor, Victor Vester, Mandela vẫn kiên trì đấu tranh và thu phục được lòng mến mộ của các bạn đồng cảnh ngộ. Trong chốn lao tù, Mandela đã xây dựng nên một hệ thống trường học khiến cho nhà tù đảo Roben vốn thâm nghiêm trở thành trường “Đại học Mandela”.
Tượng cựu Tổng thống Nelson Mandela ở Pretoria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong suốt những năm của thập kỷ 80 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho Nelson Mandela của nhân dân Nam Phi và quốc tế ngày một lên cao. Dưới sức ép của cộng động quốc tế, chính quyền Apartheid buộc phải hứa trả tự do cho Mandela. Ngày 5/7/1989, người tù nổi tiếng nhất thế giới này đã được hộ tống trong vòng bí mật nghiêm ngặt đến Văn phòng Tổng thống để bắt đầu một cuộc thương lượng, không chỉ về sự trao trả tự do cho ông, mà còn cả về quá trình chuyển đổi đất nước từ chủ nghĩa Aparthied sang chế độ dân chủ, với con đường duy nhất là đàm phán giữa Chính phủ và ANC.
Ngày 2/2/1990, chính quyền tuyên bố trả tự do cho Mandela. Ngày 11/2/1990, Nelson Mandela kết thúc cuộc sống hơn hai thập kỷ sau song sắt để trở về với nhân dân. Lúc này ông đã 72 tuổi. Một năm sau, ông được bầu làm Chủ tịch ANC. Chủ tịch Mandela đã đàm phán một cách khôn khéo với F.W. de Klerk, vị Tổng thống cuối cùng của chế độ Apartheid, về việc xoá bỏ chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc bậc nhất trong lịch sử nhân loại và chuyển giao hoà bình sang chế độ dân chủ đa chủng tộc. Giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, chiếm 62,65% phiếu bầu, ANC đã giành lại quyền lãnh đạo đất nước từ người thiểu số da trắng trong suốt ba thế kỷ.
Trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nước Cộng hòa Nam Phi dân chủ vào ngày 10/5/1994, Nelson Mandela đã lãnh đạo xây dựng Hiến pháp mới và thiết lập Uỷ ban thừa nhận sự thật và hoà giải để điều tra các hoạt động vi phạm nhân quyền trước đó, đồng thời xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy cải cách ruộng đất, đấu tranh chống đói nghèo và phát triển mạng lưới phúc lợi xã hội. Tháng 7/1999, ông rời bỏ hoạt động chính trị sau khi hết một nhiệm kỳ Tổng thống và trở về sống ở Transkei.
Khi không còn tham gia chính trường, Nelson Mandela vẫn tiếp tục các cuộc chiến khác, đó là chiến đấu vì người nghèo và trẻ em thông qua các quỹ hỗ trợ mang tên mình. Ông cũng là người đóng vai trò tích cực trong nhiều tổ chức xã hội vì quyền con người trong đó phải kể đến sự ủng hộ của ông đối với phong trào “Biến đói nghèo thành dĩ vãng”.
Ông còn thành lập Học viện Mandela với tiêu chí hoạt động tập trung vào nghiên cứu, phát triển giáo dục, đào tạo để đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng nền giáo dục cơ bản. Hàng trăm dự án của Học viện đã được triển khai thành công và ngày càng được nhân rộng.
Người dân Nam Phi mang ảnh cố Tổng thống Nelson Mandela tới dự lễ tang của ông. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong suốt hơn bốn thập kỷ hoạt động không ngừng nghỉ, ông đã vinh dự nhận được hơn 250 giải thưởng, trong đó có giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1993.
Đánh giá cao những cống hiến của ông, tháng 9/2009, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 18/7 hàng năm (ngày sinh của ông) làm Ngày Quốc tế Mandela, hay còn gọi đơn giản là Ngày Mandela. Thông điệp của Ngày Mandela là "Mandela đã dành 67 năm cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội. Chúng ta hãy dành 67 phút trong ngày này để thay đổi thế giới quanh mình".
Ngọn đèn sinh mệnh của lãnh tụ vĩ đại ấy đã tắt ngày 5/12/2013, nhưng di sản ông để lại cho đất nước Nam Phi nói riêng và thế giới nói chung sẽ còn sáng mãi.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN