Thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới - Quảng Bình) nhỏ bé có con sông Nhật Lệ oằn mình dưới bom đạn, đã in dấu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nơi đây có mẹ Suốt, người chèo đò chở bộ đội qua sông trong những ngày chiến đấu ác liệt, đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù. Mẹ Nguyễn Thị Suốt sinh năm 1906 tại xóm Vạn chài làng, Phú Mỹ (nay thuộc thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới). Từ thuở nhỏ phải đi ở nuôi thân, cuộc đời của mẹ là những tháng ngày đi ở đợ hết nhà giàu này đến nhà giàu khác, làm thuê làm mướn suốt năm, suốt tháng mà vẫn khổ cực.
Cách mạng Tháng Tám thành công chặt đứt xiềng xích nô lệ, giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc và giải phóng chính cuộc đời mẹ. Nhưng chưa kịp vui mừng thì thực dân Pháp lại xâm lược nước ta lần nữa. Cũng như đồng bào cả nước, mẹ phải tiếp tục cuộc đời lầm than, cay đắng.
Khi giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, mẹ đã 60 tuổi. Với tình yêu quê hương tha thiết, theo tiếng gọi của cách mạng, của Bác Hồ, mẹ Suốt đã xung phong nhận một công việc tưởng như bình thường nhưng vô cùng nguy hiểm: Chở đò ngang qua sông Nhật Lệ. Đây là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tổ 3 phòng: phòng chữa cháy; cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại.
Đưa đò, phục vụ nhân dân qua lại, mẹ là người lái đò có trách nhiệm. Mặc dầu đã có tuổi, đến lượt trực đò, bất kể đêm khuya, mẹ luôn có mặt. Khi phục vụ chiến đấu mẹ càng tích cực khẩn trương. Cán bộ, bộ đội cần đi công tác bất kể giờ nào, mẹ đều vui lòng chở ngay; kể cả lúc nửa đêm, cho đến trường hợp báo động mẹ cũng không ngần ngại.
Ngày 7/2/1965 (tức là ngày mồng 6 tết ất Tỵ) không lực Hoa Kỳ ồ ạt tấn công bắn phá thị xã Đồng Hới và các vùng lân cận (chúng đã huy động 160 lần chiếc máy bay phản lực hiện đại). Đây là trận oanh tạc lớn mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ đối với nhân dân ta nói chung, Đồng Hới nói riêng. Thị xã Đồng Hới như rung chuyển trong khói lửa đạn bom của kẻ thù. Biến căm thù thành hành động cách mạng, cả thị xã Đồng Hới và làng cát nhỏ Bảo Ninh đã dũng cảm kiên cường chiến đấu với máy bay Mỹ.
Trên sông Nhật Lệ, những cột nước đen ngòm tung lên dữ dội bởi đạn bom. Bất chấp cả những lần máy bay bổ nhào, phóng róc két, bắn đạn 20 ly ngăn chặn, mẹ Suốt vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta để ta đánh trả quân thù. Những chuyến đò của mẹ cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa thị xã Đồng Hới với Bảo Ninh. Dưới làn mưa bom bảo đạn của kẻ thù, mẹ cùng chiếc đò ngang đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua lại đôi bờ.
Không hình ảnh nào đẹp hơn một bà mẹ đã ngoài 60 tuổi mà vẫn bất chấp hiểm nguy, hiên ngang ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ luôn khống chế và ngăn chặn. Những người đã từng qua đò của mẹ trong những giờ phút nóng bỏng đó vô cùng khâm phục trước lòng quả cảm, gan dạ của một bà mẹ đã biến căm thù thành hành động phi thường. Cho đến nay, những người đã từng trực tiếp chiến đấu và chứng kiến sáng 7/2/1965 vẫn không thể lý giải và hiểu nổi vì sao giữa dòng Nhật Lệ nước sôi, đạn bỏng mà mẹ Suốt vẫn anh dũng xông pha và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đến thế.
Chiến công của mẹ Suốt cùng bao chiến công thầm lặng khác của quân và dân Đồng Hới đã lập nên một kỳ tích vang dội: Chỉ trong hai ngày 7 và 8/2/1965, quân dân Đồng Hới đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Từ ngày 14/2 đến 28/4/1965, 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, bắn cháy tại biển Nhật Lệ - mở đầu cho thắng lợi rực rỡ của quân và dân ta.
Sau trận chiến đấu ác liệt ấy, con đò mẹ Suốt lại tiếp tục đưa đón cán bộ, bộ đội sang sông trong những ngày đánh Mỹ. Với những chiến công của mẹ, ngày 1/1/1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ lại tăng cường đánh phá miền Bắc và Đồng Hới lại tiếp tục hứng chịu cảnh đạn bom. Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.
Mẹ Suốt đã trở thành đề tài xúc động và hào sảng cho biết bao tác phẩm văn học - nghệ thuật, về một người phụ nữ, một người mẹ chỉ với mái chèo và trái tim yêu nước, thương nhà mà quyết sống mái với quân thù, tiêu biểu trong đó là bài thơ "Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu, người được Giáo sư Hà Minh Đức xem là "miêu tả thành công hình ảnh người mẹ trong thơ Việt Nam hiện đại":
“Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng nước tàu bay
Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua”.
Hình ảnh mẹ Suốt sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình và nhân dân cả nước. Bến đò mẹ chèo năm xưa nay đã trở thành một di tích lịch sử tiêu biểu ở Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ với tên gọi thân thương, kính trọng: Bến đò mẹ Suốt.
Năm 1980, để tưởng nhớ và thể hiện sự cảm kích về một người mẹ anh hùng của quê hương, UBND thị xã Đồng Hới đã cho xây dựng bia đài mẹ Suốt nằm giữa trung tâm của bến đò.
Đến năm 2003, vào dịp cả nước ta mừng lễ Quốc khánh 2/9, tượng đài mẹ Suốt và quần thể khu tưởng niệm được cắt băng khánh thành. Tượng cao 7m (tính cả bệ), khuôn mặt hướng ra sông Nhật Lệ, cách bến đò xưa hơn 50m. Đây là địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách gần xa khi đến với Quảng Bình và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm kích trước một người mẹ bình thường nhưng rất đỗi anh hùng.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN