Cách đây nửa thế kỷ, quốc gia khách hàng của Liên Xô là Ai Cập đang gặp khó khăn. Nhục nhã vì thất bại nặng nề trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đã chọn đối đầu với Israel mà không mạo hiểm thất bại trong một cuộc chiến mở như trước. Cairo quyết định tiến hành cuộc Chiến tranh Tiêu hao 1967–1970, cho phép pháo binh và biệt kích liên tục tấn công vào các vị trí của Israel dọc theo kênh đào Suez.
Về phần mình, để tránh thương vong và nguy cơ thất bại trong một trận chiến với nhiều quốc gia Arab, Israel đánh trả bằng vũ khí do chính mình lựa chọn. Không quân Israel (IAF), lực lượng sở hữu phi đội máy bay chiến đấu quyết định chiến thắng trong Chiến tranh Sáu Ngày, đã sử dụng những chiếc F-4 Phantom mới mua của Mỹ để thực hiện các cuộc không kích trả đũa vào sâu Ai Cập.
Phản ứng của Tổng thống Ai Cập Nasser là quay sang Liên Xô, quốc gia đã giúp xây dựng một mạng lưới phòng không dày đặc các khẩu đội tên lửa đất đối không (SAM) dọc theo kênh đào Suez. Mặc dù IAF bắn rơi nhiều máy bay Ai Cập, các khẩu đội SA-2 và SA-3 do Liên Xô lắp đặt cũng đã bắn rơi một số máy bay của IAF và đe dọa các hoạt động không quân của Israel dọc theo kênh đào.
Việc Liên Xô cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại cho Ai Cập bị Israel coi là hành động vượt lằn ranh đỏ. Bên cạnh đó, nhiều phi đội MiG-21 của không quân Liên Xô còn tiến hành tuần tra phòng thủ khắp không phận Ai Cập.
Ban đầu, Liên Xô và Israel cẩn trọng để tránh chạm trán nhau. Nhưng cuối cùng, Moskva quyết định đánh chặn các cuộc tấn công của Israel, và thậm chí đã phá hỏng một chiếc A-4 Skyhawk của Tel Aviv bằng một quả tên lửa không đối không vào ngày 25/7/1970.
Bị tấn công trước, Israel quyết định cảnh cáo Liên Xô bằng một đòn phục kích được chuẩn bị tỉ mỉ. Nhờ có nhà điều hành đài phát thanh tiếng Nga của Israel theo dõi sát hoạt động liên lạc của Liên Xô, Không quân Israel đã có ý tưởng về lực lượng mà họ phải đối mặt.
Một chiến dịch mang mật danh “Rimon 20” ra đời, hoạt động trên cơ sở nghi binh để dụ đối phương vào một cái bẫy trên không. "Kế hoạch khá đơn giản", nhà sử học Shlomo Aloni viết. "Bốn chiếc Mirage bay theo đội hình với nhiệm vụ trinh sát tầm cao qua khu vực mà các máy bay MiG-21 của Liên Xô đang hoạt động. Mỗi cặp Mirage trang bị đầy đủ vũ khí, bay rất gần nhau để đánh lừa màn hình radar đối phương như thể đây chỉ là một biên đội hai chiếc Mirage bay trinh sát và không vũ trang chiến đấu".
Trong khi đó, một cơ số chiếc F-4 Phantom và Mirage khác sẽ “nấp” ở độ cao thấp trên bán đảo Sinai do Israel kiểm soát, ngoài tầm quan sát của radar Ai Cập, và sẵn sàng lao lên tấn công nếu phi đội MiG Liên Xô “ăn mồi” và đuổi theo những chiếc “Mirage trinh sát" đến gần lãnh thổ Israel hơn.
Toàn bộ phi công được lựa chọn cho chiến dịch là những người giỏi nhất và giàu kinh nghiệm nhất mà Israel có. Họ rất háo hức nhưng cũng lo lắng. Một phi công Israel nhớ lại: “Chúng tôi không sợ, nhưng chúng tôi không biết mình phải chờ đợi điều gì, bởi họ vẫn có những vũ khí khác biệt và tiên tiến hơn".
Sau đó, vào chiều ngày 30/7, lực lượng Liên Xô đã dính bẫy phục kích. Từ nhiều sân bay ở Ai Cập, 24 chiếc MiG-21 được điều động để đánh chặn chuyến bay trinh sát giả. “Con mồi” dễ dàng của họ nhanh chóng biến thành 16 chiếc Phantom và Mirage III.
Chỉ trong vòng ba phút, năm chiếc MiG bị bắn hạ, hai chiếc trúng hoả lực của Phantom, hai chiếc do Mirage bắn và một chiếc trúng hoả lực phối hợp của phi đội Israel. Theo nhà sử học Aloni, một chiếc MiG đã bị phá hủy khi tiêm kích Phantom Israel bắn "một cú bất thường ở độ cao thấp" với tên lửa AIM-7 Sparrow dẫn đường bằng radar, vốn không dành cho độ cao thấp như vậy. Một phi cơ khác của Israel đã "rượt theo chiếc MiG Liên Xô từ độ cao 15.000 feet đến 2.000 feet, rồi dùng tên lửa AIM-9D bắn hạ”.
Người Israel không chỉ khéo léo mà còn may mắn: một phi công Nga đã bắn trúng chiếc Phantom của Israel bằng một tên lửa tầm nhiệt Atoll nhưng vũ khí này lại không phát nổ.
Cuối cùng, Mỹ đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn kết thúc cuộc Chiến tranh Tiêu hao. Sau lệnh ngừng bắn, Liên Xô đã để lại các khẩu đội tên lửa phòng thủ SAM nằm lại dọc theo kênh đào Suez, một cái kết mà Israel sớm phải hối tiếc. Ba năm sau, người Liên Xô đã trả được “mối thù” khi các tên lửa SAM mà họ cung cấp cho Ai Cập và Syria đã bắn rơi nhiều máy bay của IAF trên kênh đào Suez và cao nguyên Golan.
Trên thực tế, vụ không chiến Israel - Liên Xô ban đầu không được công khai ngay. Những chi tiết đầu tiên về vụ việc chỉ xuất hiện trên truyền thông quốc tế vài giờ sau đó. Israel tuyên bố bắn hạ 4 máy bay Ai Cập, mà không tiết lộ danh tính thực sự của đối phương, trong khi Ai Cập phủ nhận tổn thất. Tuy vậy, nhiều thông tin sau đó được tiết lộ. Quốc tịch thực sự của các phi công MiG được xác nhận bởi Thủ tướng Israel Golda Meir vào cuối tháng 10/1970. Đến năm 1972, báo chí Ai Cập cho biết 5 máy bay Liên Xô đã chịu tổn thất trong cuộc đụng độ ngày 30/7/1970. Thông tin này sau đó được Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập xác nhận.