Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 1

Chính sách với Cuba nằm trong số những ưu tiên tối thượng của Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ 2. Chính vì vậy, ngay sau khi tái đắc cử năm 2012, ông đã lập tức cho phép tiến hành các cuộc đàm phán bí mật mà sau này dẫn tới bước đột phá.

CÁCH TIẾP CẬN MỚI CỦA CHÍNH QUYỀN BARACK OBAMA

Tháng 11/2014, một tháng trước khi Chủ tịch Raúl Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tuyên bố lịch sử tái thiết lập quan hệ, hai nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ Peter Kornbluh và William LeoGrande (Mỹ) đã giới thiệu cuốn sách “Back Channel to Cuba”, chứa đựng nhiều tư liệu chưa được công bố trước đó về các tiếp xúc bí mật của nhiều đời tổng thống Mỹ với chính quyền cách mạng Cuba. Cho tới nay đây vẫn được coi là tài liệu đầy đủ nhất được công bố về giai đoạn đàm phán đầy nhạy cảm trên.

Chính sách với Cuba nằm trong số những ưu tiên tối thượng của Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ 2. Chính vì vậy, ngay sau khi tái đắc cử năm 2012, ông đã lập tức cho phép tiến hành các cuộc đàm phán bí mật mà sau này dẫn tới bước đột phá. Tổng thống Obama đã chỉ định một số thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia vạch ra một chiến lược để khởi động thương lượng với La Habana. Các cuộc đối thoại kín theo chỉ thị này của Tổng thống Obama được bắt đầu từ tháng 6/2013 và tiếp tục trong 18 tháng sau đó cho tới tháng 11/2014. Đội ngũ đàm phán của Mỹ có 2 trong số các cố vấn an ninh tin cậy nhất của tổng thống: Phó cố vấn An ninh Quốc gia Benjamin Rhodes và Ricardo Zuniga - Cục trưởng phụ trách Tây Bán Cầu trong Hội đồng An ninh quốc gia. 

Alan Gross, nhà thầu của USAID bị bắt giữ khi tham gia các hoạt động kích động lật đổ chính quyền tại Cuba.

Nhóm đàm phán này đã họp kín với một đội ngũ tinh gọn quan chức Cuba tổng cộng 9 lần tại Ottawa, Toronto, Roma và 1 thành phố thứ 4 vẫn chưa xác định. Trước khi chuyển dần sang đề tài bình thường hóa quan hệ song phương đầy phức tạp vào giai đoạn cuối, các cuộc đàm phán mật này ban đầu chỉ tập trung xung quanh vấn đề trao đổi 3 điệp viên Cuba vẫn đang chịu án tù trong nhóm tình báo thường được gọi là “bộ ngũ Cuba” - Gerardo Hernández, Antonio Guerrero và Ramón Labañino - bị giam giữ từ 16 năm trước tại Mỹ với Alan Gross, nhà thầu của Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID) bị Cuba bắt giữ với cáo buộc tham gia kích động các hoạt động chống phá và lật đổ chính quyền.

Ngoài hai nhà đàm phán chính này, chỉ một nhóm rất hạn chế quan chức cấp cao của Mỹ được biết về các cuộc thương lượng, trong đó có Phó tổng thống Joe Biden, Denis McDonough (Chánh văn phòng Nhà Trắng) và Susan Rice (Cố vấn An ninh quốc gia). Không ai tại Lầu Năm Góc được biết về các cuộc đối thoại này, thậm chí cả Bộ trưởng Chuck Hagel. Ngoại trưởng John Kerry có được thông báo về các kết quả đàm phán, nhưng khá muộn, trong khi không cán bộ nào tại Vụ Tây Bán Cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ được nhận thông tin nào cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Washington và La Habana âm thầm thảo luận về cuộc trao đổi tù nhân này, mà trước đó hai Bộ Ngoại giao cũng đã có các vòng thương lượng kín về vấn đề này. Các cuộc thương lượng này nảy sinh từ quan hệ hợp tác y tế chưa từng có giữa Cuba và Mỹ trong các hoạt động nhân đạo tại Haiti sau trận động đất kinh hoàng năm 2010. Kênh liên lạc giữa Cheryl Mills, cán bộ phụ trách nhân sự của Ngoại trưởng Mỹ khi đó Hillary Clinton, và Julissa Reynoso, trợ lý Thứ trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán Cầu, với các cán bộ ngoại giao cấp cao Cuba về phối hợp hoạt động tại Haiti từng lâm vào bế tắc khi La Habana yêu cầu Washington phải ngừng Chương trình dành cho các chuyên gia Y tế Cuba (PPMC - theo đó các chuyên gia y tế Cuba làm việc tại một nước thứ 3 chỉ cần trình bằng cấp của mình sẽ ngay lập tức được Đại sứ quán Mỹ tại nước này cấp thị thực nhập cảnh dài hạn), nhưng phía Mỹ từ chối. Dẫu sao, các cuộc đối thoại vẫn tiếp tục sau đó và hai bên chỉ tập trung vào vấn đề tù nhân.

Tìm kiếm sự tự do cho 5 chiến sỹ tình báo bị Mỹ bắt giữ từng là một trong những ưu tiên quan trọng của Cuba khi khởi động đàm phán với Mỹ.

Từ mùa xuân năm 2010 tới năm 2012, Mills và Reynoso đã gặp gỡ ít nhất 6 lần với các quan chức ngoại giao cấp cao Cuba, trong đó có cả Ngoại trưởng Bruno Rodríguez, Thứ trưởng Ngoại giao Dagoberto Rodríguez, Vụ trưởng Phụ trách các vấn đề về Mỹ Josefina Vidal, và Trưởng Văn phòng đại diện quyền lợi Cuba tại Mỹ, Jorge Bolaños. Theo lời kể của một quan chức Mỹ hiểu biết về quá trình này, các cuộc thảo luận lan rộng ra cả một loạt điểm tranh cãi giữa hai nước, từ căn cứ quân sự của Mỹ tại Guantánamo (thuộc lãnh thổ Cuba) cho tới bồi thường các thiệt hại do cuộc bao vây cấm vận gây ra. Nhưng  đề tài trọng điểm vẫn luôn là số phận của “bộ ngũ Cuba” và Alan Gross.

Trong cuộc họp đầu tiên tại Haiti vào tháng 3/2010, các nhà đàm phán của Mỹ đề cập tới vấn đề Alan Gross, người bị Cuba bắt giữ vào tháng 12/2009; phía Cuba trả lời trong cuộc gặp sau đó bằng cách yêu cầu Washington cho phép vợ của các điệp viên trong nhóm “bộ ngũ” được nhập cảnh Mỹ và thăm chồng tại tù. Theo lời quan chức Mỹ nói trên, phía Cuba bắt đầu vấn đề bằng “hãy đối xử tốt hơn với những chàng trai của chúng tôi” rồi chuyển dần tới “chúng tôi muốn họ về nhà”. Trong một cuộc gặp kín tại New York vào tháng 9/2011, phía Cuba đã công khai đề xuất một cuộc trao đổi tù nhân giữa “bộ ngũ” và Alan Gross.

Vào thời điểm đó, chính quyền Obama vẫn tin rằng một thỏa thuận gây tranh cãi về chính trị như vậy là cần phải tránh. Các quan chức Mỹ hi vọng rằng quan hệ chặt chẽ mới được thiết lập giữa các nhà đàm phán của hai bên cũng như tinh thần thiện chí mà các cuộc thương lượng này tạo ra rốt cục sẽ khiến La Habana trả tự do cho Gross. Mặc dù khả năng trao đổi tù nhân vẫn bị phía Mỹ gạt ra khỏi bàn thương lượng khi đó, hai bên đã thống nhất được việc trao đổi các chuyến thăm thân, theo đó Adriana Pérez (vợ của Gerardo Hernández) và Olga Alanueva (vợ René González) - những người trước đó từng bị Mỹ từ chối cấp thị thực do nghi ngờ có khả năng làm gián điệp - được tới Texas thăm chồng, trong khi phía Cuba cũng cho phép bà Judy Gross (vợ Alan Gross) được thăm chồng định kỳ tại La Habana. 

Đúng vào khoảng thời gian đó, chính sách đối với Cuba trở thành ưu tiên cả trong chương trình nghị sự của ngoại trưởng Hillary Clinton lẫn của tổng thống Barack Obama, sau sự đón tiếp đầy thù địch mà họ vấp phải tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ VI tại Cartagena, Colombia, vào tháng 4/2012. Sự phản đối của các nước Mỹ Latinh đối với chính sách Cuba của Mỹ đã bao trùm hội nghị và thậm chí đe dọa cả tương lai của chính diễn đàn này. Obama và Clinton trở về từ Cartagena với ấn tượng sâu đậm về sự giận dữ và thất vọng mà các nguyên thủ trong khu vực đã thể hiện. Bà Roberta Jacobson, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán Cầu (hiện đã là Đại sứ Mỹ tại Mexico) thừa nhận: “Chính sách Cuba của chúng ta trước đây rõ ràng là gây khó chịu và là một gánh nặng đối với vị thế của Mỹ tại khu vực”. 

Kỳ tới: Những quân bài chiến lược
Lê Hà
Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba-Mỹ - Kỳ 1
Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba-Mỹ - Kỳ 1

Trong hơn nửa thế kỷ qua, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Cuba luôn là chủ đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN