Có một bác sĩ, một con người, tên là Đặng Thùy Trâm

Liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam; là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay, những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, chưa từng nếm trải trận mạc, gian khổ, mất mát và hy sinh.

Và hôm nay, thế giới đã biết đến tên chị, biết đến cuốn nhật ký tràn đầy chất lý tưởng và tình người của người con gái Hà Nội đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28, vào ngày 22/6/1970.


Sinh ra trong một gia đình trí thức có bố là bác sĩ, mẹ là dược sỹ, Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966. Ngay lúc đó, Thùy Trâm có thể tìm được cho mình một công việc ở Hà Nội theo đúng ngành nghề. Nhưng theo tiếng gọi cuả miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam chiến đấu, nơi mà có những người dân nghèo khổ, nơi mà những chiến sỹ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.


Tấm ảnh bác sỹ Đặng Thùy Trâm tặng trung tá Lưu Công Hào (quê Hải Phòng) trong một lần làm nhiệm vụ tháng 2/1968, khi ông bị thương và được bác sỹ Trâm cứu chữa. Ông đã luôn mang bức ảnh đó theo mình cho đến tận ngày nay và coi nó như một kỷ vật của cuộc đời. Ảnh : Thế Duyệt – TTXVN


Là người yêu thích văn học, Thuỳ Trâm đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ, bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách của Paven Coóc Saghin trong "Thép đã tôi thế đấy", đến Ruồi trâu, những nhân vật mà chất lý tưởng luôn rừng rực trong trái tim thanh xuân của họ. Chị đã ghi trên trang đầu cuốn nhật ký của mình những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ: “…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, … để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.


Với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi - thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.


Nhật ký đơn thuần chỉ là ghi chép hàng ngày của mỗi người, nhưng "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" lại chất chứa biết bao tình cảm, tình yêu trong sáng, mãnh liệt và thánh thiện cho người bệnh, cho đồng chí, cho đồng bào, cho Tổ quốc. Chị quan niệm “… Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này".


Bản dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng Quốc tế ngữ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội. Khi đứng lớp giảng bài cho học sinh của lớp y tá sơ cấp, xót thương những đứa em và cũng là đồng đội cùng chiến đấu với mình do hoàn cảnh chiến tranh mà không có điều kiện học tập, chị đã tâm sự “Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm, mà cả bằng tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được”.


Đặc biệt, chị dành cho thương binh một thứ tình cảm như người thân ruột thịt. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và nhân dân trong vùng... Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Chị viết “vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình”. Và biểu hiện cao nhất của Đặng Thùy Trâm về tình đồng đội là chị xả thân, chấp nhận hy sinh khi nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ đồng đội của mình.


Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Việt Nam, trao tặng bản dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cho bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại cuộc họp báo. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Thật là thiếu sót nếu không nói về những cảm nhận của Thùy Trâm đối với tình yêu. Giữa thời bom đạn mịt mùng, ngoài tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, tình yêu bao la dành cho đồng loại, Thùy Trâm còn có một trái tim, một trái tim biết giận hờn, biết yêu và biết khóc vì yêu. Tình yêu đó trong sáng nhưng cũng không kém phần lãng mạn, là những nhớ thương và cả những giọt nước mắt mà chị dành cho người yêu tên M. Dù bất kì ở hoàn cảnh nào thì tình yêu vẫn luôn tồn tại và tình yêu là thứ đẹp nhất mà con người có thể dành cho nhau "... anh không phải là của em, nhưng em muốn đem yêu thương xoa dịu đau đớn cho anh…”.


Giá trị "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" không chỉ là tư liệu lịch sử quý giá, giá trị văn học cao quý, mà cao hơn tất cả, nó là cái giá "rất nhân bản" của một con người luôn trăn trở muốn sống xứng đáng như một con người. Thùy Trâm đã ngoan cường chiến đấu như tinh thần của Mariuyt, của Gavơrốt trên chiến luỹ thành Paris mà chị từng ngưỡng mộ. Thuỳ Trâm và thế hệ cầm súng của chị mãi mãi toả sáng tuổi 20 khi mà chị viết: "Cuộc đời Thuỳ là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ, xin Thuỳ hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng".


Những dòng tiếp theo ấy, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã vĩnh viễn không ghi được nữa, nó thuộc về chúng ta hôm nay.



Trung tâm Thông tin Tư liệu/ TTXVN

Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc
Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc

Ngày 21/6/1925, báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên. Cùng với tác phẩm “Đường Kách mệnh”, báo Thanh niên trở thành một trong những công cụ, tài liệu tiếng Việt đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN