Chú chó Laika - sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ

Một tháng sau sự kiện lịch sử vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô mang tên Sputnik 1 bay vào quỹ đạo,  ngày 3/11/1957, Liên Xô lại tiếp tục cho phóng vệ tinh Sputnik 2, có trọng lượng lớn hơn nhiều lần. Đặc biệt, vệ tinh này đã mang theo chú chó Laika và đây là lần đầu tiên con người đưa một sinh vật sống lên vũ trụ.

Chú chó Laika - "phi hành gia" đầu tiên của Liên Xô bay vào vũ trụ. Ảnh: spacetoday.org.


Tháng 10/1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik 1 - vệ tinh đầu tiên của loài người. Thành tựu này đã làm chấn động thế giới về khoa học cũng như về chính trị. Về khoa học, việc phóng được vệ tinh là một thành tựu vượt bậc, hứa hẹn những khám phá to lớn về vật lý không gian.

Còn về chính trị, thì việc phóng vệ tinh cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát bầu trời, thiết lập hệ thống truyền thông tin, do thám, tiến tới làm chủ không gian. Vì thế, sự kiện Nga phóng vệ tinh Sputnik 1 đã làm Mỹ sửng sốt. Nó là phát súng đầu tiên đẩy hai siêu cường vào cơn lốc chạy đua trên con đường chinh phục không gian.

Trong bối cảnh ấy, việc phóng vệ tinh Sputnik 2 lên không gian mang theo một sinh vật sống đầu tiên là chú chó Laika vào tháng 11-1957, nhân sự kiện kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, là động thái tiếp theo của Liên Xô nhằm biểu dương sức mạnh, vì thế nó đã được chuẩn bị thật kỹ lưỡng.

Vệ tinh Sputnik 2 có tổng trọng lượng 508,3 kg. Khoang lái của tàu được gắn các cảm biến dùng để đo áp suất và nhiệt độ xung quanh, cũng như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở của “phi hành gia”.

Còn việc Laika trở thành “phi hành gia” đầu tiên cũng thật là ngẫu nhiên. Sau khi bị đội thu gom động vật hoang bắt giữ, không biết có phải do thấy Laika có những tố chất cần thiết của một “phi hành gia” hay không mà các nhà khoa học đã lựa chọn nó. Và thế là cô chó Laika, 3 tuổi, nặng 16 kg, bỗng nhiên trở thành “phi hành gia” đầu tiên của Liên Xô.

Để trở thành một “phi hành gia” thực thụ, Laika đã phải trải qua những cuộc thử nghiệm và tập luyện gắt gao. Nhằm quen dần với việc sống trong khoang lái chật hẹp của tàu Sputnik 2, Laika đã bị nhốt liên tục trong những chiếc lồng chật hẹp trong khoảng từ 10 đến 15 ngày.

Để quen với những rung động mạnh và tiếng gầm rú, Laika phải thường xuyên luyện tập với máy ly tâm mô phỏng quá trình tăng tốc của tên lửa đẩy, cũng như thiết bị mô phỏng tình trạng không trọng lực. Ngoài ra, Laika còn phải làm quen với việc mang quần áo đặc biệt cũng như tập dùng những loại thức ăn đóng hộp ở dạng lỏng.

Tất cả đã sẵn sàng cho sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ.

Chuyến bay cảm tử

Ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Sputnik 2 được phóng lên quỹ đạo Trái đất, mang theo Laika.

Theo các tín hiệu thu được từ các thiết bị cảm biến gắn trên thân Laika thì trong quá trình phóng tàu, nhịp tim của Laika đã tăng cao gấp 3 lần bình thường. Và sau khi tàu đạt đến trạng thái không trọng lực thì nhịp tim của Laika bắt đầu giảm mạnh.

6 ngày sau thời điểm phóng vệ tinh, Trái đất hoàn toàn mất liên lạc với tàu Sputnik 2. Các thông tin do Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó cho thấy Laika đã sống tới ngày thứ 4 của chuyến du hành.

Không lâu sau khi Sputnik 2 được phóng đi, các nhà khoa học Liên Xô đã phải thừa nhận rằng do các thiết bị đổ bộ chưa kịp hoàn thiện nên tàu Sputnik 2 đã được xác định là sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm cảm tử. Điều đó có nghĩa là số phận của Laika đã được định đoạt ngay từ đầu. Nó sẽ chết và bị thiêu cháy cùng với con tàu khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất.

Sau 163 ngày bay vòng quanh quỹ đạo trái đất, ngày 14/4/1958, Sputnik 2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về Trái đất, kết thúc xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.

Sự thật về cái chết của Laika

45 năm sau ngày Laika được phóng lên vũ trụ, tháng 10-2002, tại Hội nghị không gian vũ trụ thế giới được tổ chức tại Mỹ, sự thật về cái chết của Laika mới được tiết lộ, chấm dứt những suy đoán kéo dài  hàng thập kỷ về vấn đề này. Theo đó, những cảm biến gắn trên cơ thể của Laika đã ghi nhận rằng ngay sau khi khoang lái đạt vận tốc 28.968 km/giờ, nhịp tim của Laika đã tăng gấp 3 lần bình thường do nóng, sợ hãi và căng thẳng. Và sau khoảng từ 5 đến 7 giờ trên quỹ đạo, trạm kiểm soát mặt đất đã không nhận được thêm bất cứ một tín hiệu sống nào của Laika.

Về nguyên nhân gây ra cái chết của Laika, các nhà khoa học đều nhất trí rằng, Laika đã chết do hoảng sợ quá độ khi Sputnik 2 ở vào tình trạng không trọng lực, và trục trặc của hệ thống điều hòa đã khiến nhiệt độ khoang lái tăng cao quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sống.

Vinh danh

Mặc dù không có cơ hội sống sót trở về, nhưng sự hy sinh của Laika không hề uổng phí, bởi nó đã giúp chứng minh một điều quan trọng, đó là: sinh vật sống có thể tồn tại trong tình trạng không trọng lực ngoài không gian.

Và cũng chính chuyến bay của Laika đã mở đường cho việc chuẩn bị phóng tàu có người lái không lâu sau đó, cũng như đem lại cho các nhà khoa học những số liệu đầu tiên về việc các sinh vật sống phản ứng như thế nào trong môi trường vũ trụ.

Để tưởng nhớ vị “phi hành gia” đặc biệt này, ngày 11/4/2008, các nhà chức trách Nga đã khai trương một công trình tưởng niệm Laika gần khu nghiên cứu quân sự tại Moskva, nơi họ đã chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên và cũng là cuối cùng của chú chó mà trong suốt nửa thế kỷ qua đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tiểu thuyết, phim truyện và bài hát được nhiều người yêu thích.

Rút kinh nghiệm từ Spunik 2, ngày 12/4/1961, Liên Xô đã phóng thành công tàu Phương Đông 1 đưa Yuri Gagarin - phi công vũ trụ đầu tiên của loài người lên quỹ đạo, đánh dấu sự mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại.

Cho đến nay có rất nhiều loài vật khác cũng đã được đưa vào không gian, nhưng Laika vẫn là con vật được nhắc đến nhiều nhất.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN





Gagarin - người mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ
Gagarin - người mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ

Cách đây 79 năm, ngày 9/3/1934, khi Yuri Alekseievich Gagarin cất tiếng khóc chào đời, không ai có thể tưởng tượng cậu bé người Nga sẽ là người đầu tiên bay vào không gian, mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN