Câu chuyện của một chuyên gia quân sự Nga-Phần cuối

Trong tình hình đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị Đại sứ quán Liên Xô hỗ trợ. Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội I. S. Sherbakov ngay lập tức tổ chức cuộc họp với các chuyên gia quân sự chúng tôi về vấn đề này.

Một chiếc F-105 bốc cháy trên bầu trời Việt Nam.


Cuộc họp hạn chế này có sự tham gia của Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Xô Viết, Trung tướng V. N. Abramov; Trưởng nhóm chuyên gia lực lượng tên lửa phòng không, Thiếu tướng N. I. Kullbakov; đại diện Tổng công trình sư về SNR, A. M. Eliseyev và một số chuyên gia khác.

Đại sứ Sherbakov thông báo sau khi ông báo cáo lên Bộ Chính trị TƯ Đảng về tình hình trên. Lãnh đạo Liên Xô đã chỉ thị cho ngành công nghiệp nhanh chóng đưa ra các biện pháp để khôi phục khả năng chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không tại Việt Nam. Đại sứ nói rằng cùng lúc, Moskva cũng yêu cầu ông liên hệ với các chuyên gia chỉ huy ở Việt Nam tiến hành (trong khả năng có thể) các công việc cần thiết nhằm làm thất bại biện pháp của không quân Mỹ đối phó với hệ thống phòng không Liên Xô.

Trong quá trình thảo luận kéo dài và sôi nổi, chúng tôi kết luận rằng trong trường hợp này, chỉ có một giải pháp duy nhất đó là tự tiến hành thử nghiệm việc cơ cấu lại các tần số hoạt động của SNR, đồng thời tăng công suất máy phát tín hiệu phản hồi của tên lửa.

Đại diện của nhà thiết kế chính SNR, Eliseyev, cho rằng việc tái cơ cấu các dải tần số SNR có thể thực hiện mà không quá nhiều khó khăn, và trong thời gian tương đối ngắn - một vài ngày.

Đối với việc xác định thử nghiệm các thông số định lượng và định tính cũng như khả năng tái cấu trúc khối điều khiển tên lửa, tôi được yêu cầu mở các trạm FR-15 cụ thể của tên lửa, và lấy kết quả thu được sau đó. Đại sứ quan tâm tới việc: "Cần gì và mất bao lâu?". Tôi báo cáo rằng để có được dữ liệu thực nghiệm phải lấy từ phần lưu trữ 15-20 cụm FR-15, KIPS (trạm kiểm soát-thử nghiệm lưu động) để kiểm tra tự động về tổng thể tên lửa và các khối đi kèm chúng, cũng như trạm điện tử di động và mất 3 ngày.

Bất chấp việc đại diện nhà thiết kế chính phản đối việc mở các khối FR-15 (vì bí mật của họ), Đại sứ Sherbakov chịu toàn bộ trách nhiệm đối với việc tiến hành các thử nghiệm sắp tới. Ông nói: "Về bí mật của các khối này có thể nói người Mỹ đã giải 'bí mật' này, và sử dụng chúng hủy hoại tần số điều khiển tên lửa của chúng ta. Tôi cho phép thực hiện các thử nghiệm được đề xuất".

Kết quả tại cuộc họp là thông qua quyết định sơ bộ: ngay lập tức bắt đầu công việc và có thể điều chỉnh tấn số lên 3 MHz. về hướng lớn.

Ngay sau cuộc họp, nhóm của chúng tôi, gồm Đại tá I. Sherstobitov, Đại úy V. Goncharenko, Trung úy B. Aslamov, V. Berlog, A. Kopeikin, N. Chirkov và những người khác bắt tay vào công việc. Chúng tôi làm việc liên tục 3 ngày trong rừng không ngủ và nghỉ ngơi. May mắn thay, tham số trong các khối FR-15 có một số dự trữ về điện cảm và điện dung, cho phép thực hiện việc cơ cấu lại các tần số và tăng công suất thiết bị. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phạm vi tần số của các khối là khác nhau. Vì vậy, vào cuối cuộc thử nghiệm tại cuộc họp tiếp theo, chúng tôi quyết định: một phần hệ thống tên lửa trong trung đoàn cơ cấu lại ở tần số đến 3 MHz, một phần ở tần số 1,5 MHz, và phần còn lại không thay đổi.

Quyết định này ám chỉ sự hiện diện của 3 dải tần khác nhau trong một thời điểm để Mỹ nhầm lẫn, và cho phép chúng tôi nhanh chóng tiến hành cuộc phục kích ở Hà Nội bằng một hệ thống SAM cơ cấu lại. Trước Tết, công việc đã thực hiện xong. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, các chuyến bay của Không quân Mỹ tạm thời dừng lại.

Đầu tháng 1/1968, điều kiện thời tiết đã cải thiện, và Mỹ quyết định thực hiện cuộc đột kích mới vào thủ đô miền Bắc Việt Nam sử dụng tất cả các loại nhiễu theo kênh phát hiện mục tiêu của tên lửa. Song lần này sự vỡ mộng cay đắng đang chờ đón họ. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp họ. Tất cả các SNR của chúng tôi đã hoạt động ở 3 chế độ. Hệ thống phóng tên lửa phòng không hoạt động ở chế độ thông thường (không cơ cấu lại).

Những loạt đạn đầu tiên của hệ thống phục kích, chuyển sang tần số 3 MHz. đã bắn hạ máy bay chỉ huy của kẻ địch. Phi công Mỹ rõ ràng không mong đợi sự thay đổi này. Trong cơn hoảng loạn, đội hình của chúng tan rã và phải quay ngược trở lại. Thử nghiệm của chúng tôi đã thành công.

Công việc cơ cấu lại SAM của 10 trung đoàn tên lửa phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam được đẩy nhanh. Mỗi ngày số các SAM được điều chỉnh tần số lại tăng lên. Đó là khối lượng công việc thực sự khổng lồ: sau khi điều chỉnh các thông số tần số của hơn 1.000 tên lửa còn tiến hành kiểm tra độc lập và toàn diện chúng, phân loại các đặc điểm tần số thu được, đánh dấu các hình thức thay đổi của chúng và những nghiên cứu tương ứng. Tất cả các SAM và đơn vị kỹ thuật cùng với sĩ quan Việt Nam và các chuyên gia hàng đầu đã tiến hành nghiên cứu và tham vấn. Trong quá trình tái cơ cấu cũng giải quyết các vấn đề khoa học-kỹ thuật để nâng cao hiệu quả các hệ thống tên lửa phòng không trong điều kiện nhiễu chủ động theo kênh phản hồi. Khả năng tác chiến của hệ thống tên lửa phòng không Việt Nam được khôi phục hoàn toàn.

Giờ đây, cũng như trước, trong các cuộc tấn công, kẻ địch lại phải hứng chịu tổn thất lớn. Trong nửa đầu năm 1968, bắt đầu từ ngày 1/1, 12 loạt đạn đầu tiên với 20 quả tên lửa đã bắn rơi 5 máy bay F-105 Mỹ. 20 loạt đạn tiếp theo với 27 quả tên lửa đã hạ gục 9 máy bay kẻ thù.

Như vậy, hiểu biết sâu rộng về thiết bị quân sự, sáng kiến, sự khéo léo và kiên trì của các chuyên gia Liên Xô đã có thể đảm bảo việc khai thác ở mức cao khả năng hoạt động và chiến đấu của hệ thống S-75, cũng như làm thất bại kế hoạch của quân đội Mỹ. Sự vụ này đã được trình bày chi tiết trong báo cáo gửi từ Hà Nội về Moskva cho Bộ chỉ huy Lực lượng Phòng không Liên Xô.

Ngành công nghiệp quân sự Xô Viết chỉ đến tháng 4/1968 mới gửi đến Việt Nam các yếu tố mới để hoàn thiện trạm FR-15. Hiệu quả những cải tiến này chưa thể kiểm chứng, do những điều kiện không thuận lợi đối với Không quân Mỹ tại Việt Nam, các chuyến bay của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam đã phải chấm dứt vào cuối năm.

Trong kết luận của mình, tôi một lần nữa muốn nhắc lại tên các đồng đội của tôi trong thời gian khó khăn song đáng tự hào ở Việt Nam, đã không tiếc sức lực, thời gian của mình để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao cho các hệ thống phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là các ông V. I. Sherstobitov, B. N. Pokrovsky, B. Aslamov, V. I. Berlog, A. G. Kopeikin, N. V. Chirkov, V. G. Nekrasov, A. N. Kovalev, V. C. Goncharenko, Y. Shirokov

Moskva tháng 1/2001

Duy Trinh (dịch)
Câu chuyện của một chuyên gia quân sự Nga
Câu chuyện của một chuyên gia quân sự Nga

Suốt 70 năm kể từ khi Độc lập, đất nước Việt Nam đã trải qua rất nhiều thử thách trong quá trình dựng nước và giữ nước. Để nhớ lại những giai đoạn hào hùng này, chúng tôi xin được giới thiệu câu chuyện của một cựu chuyên gia quân sự Nga từng tham gia chiến đấu chống Mỹ tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN