Cánh chim đầu đàn của ngành Bỏng Việt Nam

Cách đây 50 năm, ngày 1/12/1964, Khoa Bỏng tiền thân của Viện Bỏng Quốc gia Lê hữu Trác được thành lập.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ nền tảng ban đầu còn nhiều khó khăn, các thế hệ thầy thuốc, chiến sĩ Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao về điều trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và xây dựng đơn vị phát triển toàn diện.

Phẫu thuật cho bệnh nhân bỏng do tai nạn lao động tại Viện Bỏng Quốc gia. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Những năm đầu thành lập, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, với khó khăn, thiếu thốn về đội ngũ cán bộ chuyên ngành bỏng, thuốc và trang bị vật tư kỹ thuật, Khoa Bỏng, đứng đầu là GS, TSKH Lê Thế Trung đã tập trung vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành bỏng, đáp ứng yêu cầu cứu chữa thương binh từ chiến trường chuyển về.

Các thầy thuốc của Khoa Bỏng đã kế thừa và nghiên cứu được hơn 50 loại thuốc từ cây thuốc y học cổ truyền, triển khai nhiều kỹ thuật mới, sử dụng da ếch kết hợp với da đồng loại, da tự thân chữa khỏi được vết bỏng sâu đến 25% diện tích cơ thể cho các thương binh bị bỏng nặng do bom na-pan, phốt-pho trắng... của Mỹ.

Hàng nghìn thương binh và nhân dân bị bỏng nặng từ chiến trường chuyển về đã được các thầy thuốc của Khoa Bỏng chăm sóc và điều trị thành công.

Ngày 25/4/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định thành lập Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, có các nhiệm vụ là đào tạo, điều trị, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến về chuyên ngành bỏng để đáp ứng với nhu cầu điều trị bỏng ngày càng cao trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Hiện nay, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trở thành Viện đầu ngành Bỏng của quân và dân trong cả nước với biên chế 360 giường bệnh (310 thường xuyên, 50 cho đáp ứng thảm họa). Năm 2013, tổng số bệnh nhân đến khám lên tới 6.353 lượt người, trong đó, có 4.423 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, tỷ lệ sử dụng giường bệnh thường xuyên đạt từ 95-110%.

Không chỉ nghiên cứu, kế thừa các bài thuốc y học dân tộc cổ truyền, Viện còn tập trung nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật mới hiện đại để nâng cao chất lượng và khả năng điều trị.

Từ năm 2000 đến nay, viện đã phát triển hàng loạt kỹ thuật điều trị mới tiên tiến, nâng cao khả năng cứu chữa bệnh nhân, giảm chi phí và ngày nằm điều trị, tạo điều kiện cho phát triển khoa học, công nghệ chuyên ngành. Ảnh: Dương Ngọc-TTXVN.


Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng và chất lượng điều trị cho bệnh nhân bỏng của Viện được tăng lên rõ rệt; viện đã thu dung, cứu chữa, điều trị hơn 35.500 bệnh nhân. Trước đây, các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn máu, bỏng đường hô hấp, suy thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc, chảy máu tiêu hóa... hầu hết tử vong thì hiện nay, phần lớn số họ đều được cứu sống nếu kịp thời được Viện Bỏng Quốc gia chữa trị.

Viện đã cứu sống được bệnh nhân người lớn có diện tích bỏng nông đến 90% diện tích cơ thể và bỏng sâu 85% diện tích cơ thể; đã cứu được bệnh nhân trẻ em bỏng nông đến 70% diện tích cơ thể và bỏng sâu là 63% diện tích cơ thể. Nhiều bệnh nhân bỏng nặng có biến chứng nặng như: nhiễm khuẩn huyết, bỏng hô hấp, suy thận cấp, chảy máu tiêu hóa... đã được cứu sống.

Chất lượng điều trị bỏng không ngừng được nâng cao, đến nay tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân bỏng đã giảm xuống ở mức thấp nhất 1%-1,5%. Không chỉ khỏi bệnh mà chi phí điều trị bệnh nhân bỏng ngày càng giảm, số ngày nằm điều trị trung bình chỉ còn 16 ngày (trước đây từ 20-23 ngày); thời gian điều trị bệnh nhân bỏng sâu, diện rộng trước đây mất từ ba đến sáu tháng, hiện nay nhiều nhất cũng chỉ hai tháng.

Hàng loạt kỹ thuật mới đã được triển khai tại Viện Bỏng, như: Kỹ thuật siêu lọc máu, kỹ thuật ô-xy cao áp, kỹ thuật ghép mắt da lưới với độ co giãn lớn, kỹ thuật ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ, kỹ thuật giãn vạt da, kỹ thuật vi phẫu…

Và kỳ tích đã xuất hiện, nhiều bệnh nhân bỏng sâu, diện tích rộng đã được cứu sống (như trường hợp chiến sĩ Đinh Văn Dương, bị bỏng nặng trong vụ máy bay huấn luyện Mi-171 rơi tháng 7/2014, đã được chữa khỏi). Hơn 80% bệnh nhân nghèo được khám, điều trị theo chương trình quân - dân y kết hợp.

Về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ sau bỏng cũng đã có những tiến bộ đáng kể, chất lượng phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ được nâng cao, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng thành công như kỹ thuật chuyển vạt da siêu mỏng, vạt da có nối mạch vi phẫu, kỹ thuật căng dãn da, vạt da ngược dòng... Nhiều bệnh nhân bị di chứng bỏng nặng đã được trả lại cơ bản về chức năng và thẩm mỹ.

50 năm qua, viện đã hoàn thành hơn 200 đề tài khoa học và hơn 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 10 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 4 nghị định thư cấp Nhà nước; 20 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và cấp Bộ Y tế, hơn 150 đề tài cấp Học viện Quân y và cấp viện.

Viện mở rộng hợp tác, trao đổi khoa học với các quốc gia có nền y học tiên tiến về bỏng để tham quan, học tập và chuyển giao công nghệ như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Singapore, Hàn Quốc...

Viện tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên chuyên môn trình độ cao; hiện có hàng chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hàng đầu Việt Nam và khu vực về chuyên khoa bỏng. Nhiều cán bộ khoa học được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về chuyên ngành bỏng, là thành viên của các Hội Bỏng quốc tế... Nhờ đó, trình độ chuyên môn khám và điều trị bệnh nhân bỏng của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đạt ngang tầm với các nước trong khu vực.

Nhờ những kết quả đã đạt được từ khi thành lập đến nay, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1989); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 2007); danh hiệu “Bệnh viện thân thiện vì sức khỏe cộng đồng” (năm 2010) và nhiều huân, huy chương cao quý khác...


Trung tâm tư liệu/TTXVN




Nhà sử học, nhà văn hóa lớn Phạm Thận Duật
Nhà sử học, nhà văn hóa lớn Phạm Thận Duật

Phạm Thận Duật là nhà sử học, nhà văn hóa lớn, danh nhân của thế kỷ XIX là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN