'Bàn tay nặn bột' - phương pháp giáo dục tiên tiến

Georges Charpak là nhà vật lý người Pháp nổi tiếng. Ông là một trong những người đã phát triển phương pháp dạy học LAMAP (tạm dịch là Bàn tay nặn bột), giúp thay đổi việc giảng dạy khoa học tự nhiên tại các trường học ở Pháp và nhiều nước khác trên thế giới. Ông sinh vào ngày này cách đây 90 năm, ngày 1/8/1924.

          
Giáo sư, viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Pháp Georges Charpak sinh tại Sarny, Ukraine, trong một gia đình gốc Do thái nghèo. Lên 7 tuổi, gia đình ông sang định cư tại Pháp để tránh chính sách bài Do thái.



Năm 1940, Paris (Pháp) bị Đức quốc xã chiếm đóng, Georges Charpak, lúc đó mới 16 tuổi, nhưng đã tham gia phong trào kháng chiến. Một thời gian sau, ông bị phát xít Đức bắt và đưa vào trại tập trung Dachau (Đức) và có nguy cơ bị thủ tiêu bằng khí độc. Nhờ quân đồng minh giải thoát, Charpak thoát khỏi trại tập trung, quay trở về Pari và tiếp tục việc học tập.


Giáo sư Viện hàn lâm khoa học Pháp Georges Charpak.

   

Lúc đầu ông học ngành mỏ nhưng cảm thấy không thích hợp nên đã chuyển sang ngành vật lý hạt nhân. Và đã ông may mắn được nhận vào làm việc trong phòng thí nghiệm của nhà bác học nổi tiếng người Pháp Frédéric Joliot - Curie. Tại đây, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về vật lý hạt nhân. Sau một thời gian nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), ông sang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Ông ở đây suốt 32 năm, từ ngày 1/5/1959 cho đến năm 1991 nghỉ hưu và trở về Paris.

           

Trong thời gian dài làm việc ở CERN, ông đã tham gia nhiều thí nghiệm lớn. Năm 1968, Charpak đã phát minh phương pháp mới dò tìm các hạt tích điện - đó là buồng đa dây. Buồng đa dây đã giúp tăng tốc độ thu thập dữ liệu lên 1.000 lần so với các kỹ thuật trước đó và nhanh chóng trở thành một công cụ quý báu đối với các nhà nghiên cứu về vật lý các hạt cơ bản thực nghiệm. Hiện nay, buồng đa dây đang được nghiên cứu ứng dụng trong các bệnh viện điều trị cho trẻ em,  giúp giảm đáng kể liều lượng phóng xạ mà các em phải chịu khi chiếu hay chụp X-quang. Đây là một phát minh khoa học mang tính nhân đạo cao và đã đưa ông đến với giải thưởng Nobel Vật lý năm 1992.

           

Năm 1996, Charpak cùng với 2 viện sỹ viện hàn lâm khoa học Pháp là P.Léna và Y.Quere đã phát triển phương pháp giáo dục tiên tiến LAMAP (tạm dịch là “Bàn tay nặn bột”).

           

Một trong những triết lý của LAMAP là ngay từ khi còn nhỏ, học sinh phải được trang bị những hiểu biết nhất định về khoa học và đây là một chìa khóa để hiểu biết thế giới hiện tại. LAMAP đã đề ra 10 nguyên tắc, trong đó có một số nguyên tắc rất cơ bản. Thứ nhất, trẻ em phải được quan sát các sự vật hiện tượng gần gũi trong đời sống hàng ngày. Thứ hai, học sinh phải được tìm tòi, suy nghĩ trên bước đường thực hiện các nghiên cứu, các thí nghiệm. Thứ ba, học sinh phải được lập luận và trao đổi để chia sẻ các ý tưởng, đối chiếu các quan niệm của mình với quan niệm của bạn và thông qua đó họ cũng phát triển được ngôn ngữ. Như vậy, điểm nhấn quan trọng của LAMAP là học sinh phải tự mình thực hiện các nghiên cứu, tự mình tiến hành các thí nghiệm với những vật liệu rất đơn giản. Trong quá trình thực hiện các nguyên tắc của LAMAP, mỗi học sinh phải có một quyển vở thực hành ghi chép lại các ý tưởng của mình, giúp người học tự hoàn thiện lại những nhận thức và phát triển dần lên.

       


Nhờ có phương pháp LAMAP, học sinh không còn ngồi hàng giờ nghe thầy cô giáo giảng bài một cách thụ động mà cả lớp đã chia thành nhóm nhỏ, dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, tự mày mò thí nghiệm với các phương tiện đơn giản. Ví dụ, 5-6 em học sinh vây quanh một chậu thau nước để giữa lớp. Một em nói: “cái gì nặng thì chìm”. Một em khác phản bác lại: “không hẳn thế”. Em lấy một cục bột, đập bẹp ra rồi thả xuống nước. Cục bột nổi lên như một chiếc thuyền thúng. Như vậy, em bé đã chứng minh được định lý về sức đẩy Achimède bằng thực nghiệm, tuy ở tuổi em chưa hiểu được lý thuyết này... LAMAP đã giúp hình thành kiến thức qua các thí nghiệm nghiên cứu, khơi dậy hứng thú học tập, tình yêu khoa học, kỹ năng hợp tác cho các em học sinh.

           

Nhờ tính thuyết phục, tính hiệu quả của phương pháp LAMAP, từ năm 2000, LAMAP chính thức được đưa vào chương trình dạy các môn khoa học ở các trường tiểu học tại Pháp. Sau đó, LAMAP nhanh chóng được áp dụng tại hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

           

Từ năm 2000 đến nay, hàng năm ở Việt Nam đều có những lớp tập huấn cho giáo viên tiểu học về LAMAP. Giáo viên được đóng vai trò của người học, sau đó từ những bài học họ sẽ về thực hiện ở trường mình. Ngoài các lớp đào tạo giáo viên trên, LAMAP cũng tổ chức lớp đào tạo những người tham gia giảng dạy phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Hiện nay, ở nước ta nhiều trường tiểu học đã áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, ví dụ như: Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội); hệ thống các trường SOS; Trường Petrus Ký (Bình Dương)… Riêng ở trường đại học sư phạm đã có những chương trình bồi dưỡng cho sinh viên, rồi có những chương trình, những dự án, những báo cáo khoa học về “bàn tay nặn bột”.

           

Tuy nhiên, việc áp dụng LAMAP ở Việt Nam là không bắt buộc. Phương pháp LAMAP đã góp phần không nhỏ trong việc giúp các em học sinh tự rèn luyện, khám phá và say mê khoa học, đồng thời có vốn kiến thức khoa học cần thiết trong một xã hội phát triển.



Thông tin Tư liệu/TTXVN

Arthur Dubuffet với kiểu hội họa Art Brut
Arthur Dubuffet với kiểu hội họa Art Brut

Họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy Jean Philippe Arthur Dubuffet là người cổ vũ mạnh mẽ cho hội họa Art Brut - nghệ thuật xuất phát từ các giá trị thuộc về bản năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN