Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh trĩ xuất hiện ở nhóm đối tượng có công việc ngồi nhiều 8 - 9 tiếng mỗi ngày, ít vận động, lạm dụng rượu bia, người béo phì, phụ nữ mang thai, táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính. Bên cạnh đó, thói quen ngồi bồn cầu lâu, rặn nhiều khi đi đại tiện, chế độ ăn thiếu rau xanh cũng góp phần gây bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, mặc dù không phải là bệnh ác tính nhưng bệnh trĩ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khối trĩ gây ra cảm giác ngứa rát, đau đớn vùng hậu môn, nhất là khi đại tiện.
Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nữ 25 tuổi, là nhân viên kế toán. Bệnh nhân đến khám trong tình trạng vùng hậu môn đau rát, đi tiêu máu, khối sa hậu môn sau mỗi lần đi đại tiện, phải dùng tay để đẩy vào. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp hình vòng tắc mạch ở giai đoạn 3 (giai đoạn nặng), kèm da thừa ở hậu môn. Với trường hợp này, bệnh nhân cần tiêm xơ trĩ nội soi phần trĩ nội, đồng thời đốt điện và tiểu phẫu phần trĩ ngoại và da thừa.
“Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 900 trường hợp bệnh trĩ, trong đó chiếm 50% dân văn phòng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chất công việc của dân văn phòng thường ngồi nhiều là yếu tố thuận lợi hình thành búi trĩ và bệnh nhân cũng thường đến thăm khám ở giai đoạn bệnh nặng”, bác sĩ Hậu thông tin.
Lý giải về tình trạng bệnh trĩ xuất hiện nhiều ở giới văn phòng, bác sĩ Hậu cho biết, việc ngồi nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, khiến máu bị tắc nghẽn, khó lưu thông đến hậu môn, trực tràng, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng này. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các búi trĩ hình thành và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt với những người bị sa búi trĩ, việc ngồi nhiều sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn, gây đau đớn.
Bên cạnh đó, những đối tượng ngồi nhiều thường làm việc trí óc, do đó yếu tố căng thẳng, stress với công việc sẽ làm giảm nhu động ruột, chính là nguyên nhân gây táo bón; hay rặn nhiều khi đi đại tiện sẽ làm tăng tổn thương và áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn, hình thành búi trĩ hoặc là bệnh diễn tiến nặng hơn.
Ngoài ra, thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ nhưng lại ăn ít chất xơ, uống không đủ nước… chính là những yếu tố cộng hưởng khiến bệnh trĩ xuất hiện phổ biến ở những đối tượng này. Tuy nhiên, thường người bệnh không biết bản thân mắc bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ hoặc ngại đi khám, cho đến khi búi trĩ phát triển lớn, có triệu chứng đau rát hoặc chảy máu mới đi thăm khám và điều trị (chiếm 90%).
Theo bác sĩ, tuỳ thuộc vào loại trĩ, nguyên nhân gây bệnh, yếu tố đi kèm, mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần dùng thuốc, thay đổi lối sống (điều chỉnh dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt). Trường hợp nặng cần phải can thiệp bằng thủ thuật, phẫu thuật như thắt dây chun, tiêm xơ, đốt laser... Một số biến chứng nặng nề của bệnh trĩ như hoại tử búi trĩ có thể gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hậu lưu ý, đối với những người làm công việc văn phòng nên tập thói quen sau 30 - 60 phút nên đứng dậy đi lại 5-10 phút, đi ra ngoài, lấy nước uống hoặc có thể đứng tại chỗ để giãn cơ, giúp cơ thể được thư giãn và thúc đẩy máu đi khắp cơ thể. Đặc biệt, những người làm việc trí óc cần có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress, tập đi cầu một khung giờ nhất định, uống nhiều nước (2- 2,5 lít nước/ngày), tránh thức khuya, hạn chế chất kích thích và đồ cay nóng, ăn nhiều rau xanh và trái cây, duy trì chế độ vận động phù hợp, không nên ngồi bồn cầu quá lâu.
Đặc biệt, khi người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, chảy máu và đau đớn khi đi đại tiện thì cần thăm khám ngay. Bệnh phát hiện sớm sẽ giúp việc chữa trị đơn giản, giảm đau đớn, giảm biến chứng cũng như giảm được chi phí điều trị.