Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ thông tin phục hồi và phát triển du lịch an toàn

Hội thảo về "Đảm bảo an toàn cho du khách trong đại dịch - Phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19” đã diễn ra chiều 22/10 bằng hình thức trực tuyến.

Đây là hoạt động do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Viện Văn hóa Du lịch Hàn Quốc tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Mũi Ông Đội, một thắng cảnh ở Nam Phú Quốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Viện Văn hóa du lịch Hàn Quốc đã nỗ lực duy trì tổ chức hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn, tạo cơ hội cho chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp 2 bên trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề quan tâm chung của du lịch trong bối cảnh mới.

Hội thảo hướng đến việc tìm kiếm giải pháp khởi động, phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới, qua đó có định hướng rõ ràng hơn trong chính sách, chiến lược và thúc đẩy quan hệ hợp tác du lịch giữa 2 nước trong thời gian tới. Đồng thời góp phần đánh dấu quan hệ mật thiết giữa 2 viện nghiên cứu du lịch Việt Nam - Hàn Quốc, tạo nền tảng xây dựng mạng lưới chuyên gia về du lịch giữa 2 quốc gia.

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đó việc phục hồi du lịch và triển vọng phát triển du lịch sau đại dịch là hết sức quan trọng. Hai bên chia sẻ, thảo luận những ý kiến làm rõ hơn những việc mà du lịch phải vượt khó khó khăn thử thách trước mắt, lấy đà phát triển bền vững hơn trong tương lai. Thông qua đó góp phần hoàn thiện chính sách, chiến lược, nhất là các chính sách, biện pháp phục hồi phát triển du lịch theo hướng đảm bảo an toàn, thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của du khách sau thời gian hoạt động du lịch đình trệ vì dịch bệnh.

Viện trưởng Viện Văn hóa du lịch Hàn Quốc Kim Dea Kwan cho biết: Hàn Quốc và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong thời gian qua, nhất là về văn hóa, du lịch thông qua nhiều hoạt động giao lưu đa dạng. Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn về hoạt động giao lưu, khách du lịch của cả 2 nước đến với nhau. Chủ đề của hội thảo lần này thiết thực cho cả 2 bên để tìm ra phương hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tại hội thảo, hai bên đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến nghiên cứu đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi xuất hiện dịch bệnh; Dịch vụ du lịch không tiếp xúc và định hướng chính sách; Tác động của đại dịch COVID-19 với ngành du lịch và kinh nghiệm đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi có dịch bệnh; Định hướng chính sách du lịch sau dịch COVID-19...

Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist: Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới và Việt Nam. Dịch COVID-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, do dịch COVID-19, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; có 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng của năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41% (theo báo cáo của Tổng cục Du lịch).

Đại dịch đã khiến hầu hết các điểm du lịch vắng khách. Những điểm du lịch trước đây chủ yếu đón khách du lịch quốc tế nay phải tạm thời chuyển sang đón khách du lịch nội địa, tuy nhiên, lượng khách cũng sụt giảm mạnh. Doanh thu của doanh nghiệp du lịch sụt giảm nghiêm trọng, nhiều tháng không có doanh thu, không đảm bảo chi phí vận hành. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động, chỉ còn một số ít doanh nghiệp đang hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng...

Theo Tổng cục Du lịch, có nhiều ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch là hoạt động trở lại, nhất là khi sức chống chịu của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành. Khởi động lại hoạt động du lịch là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhằm khôi phục lại hoạt động ở các khu vực có nguy cơ thấp “Cấp 1 - điểm đến an toàn (vùng xanh)”, tiến tới “kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch (hành trình xanh)”, với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19...

Với khách nội địa cần kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch, đảm bảo an toàn điểm đến, an toàn cho du khách. Việc đảm bảo các tiêu chí an toàn cho du khách thông qua các yêu cầu về tiêm vaccine, xét nghiệm, thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế, quét mã QR...

Đối với khách quốc tế, du lịch Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) từ tháng 11/2021 với khách từ thị trường trọng điểm, có khả năng kiểm soát dịch bệnh, năng lực tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 tốt như khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Australia...

Trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm Phú Quốc, du lịch Việt Nam sẽ nhân rộng mô hình ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) và tiến tới mở cửa hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Thanh Giang (TTXVN)
Sức hút của bất động sản du lịch cận Hà Nội
Sức hút của bất động sản du lịch cận Hà Nội

Với những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cùng tốc độ phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các địa phương giáp ranh với TP. Hà Nội đang tạo ra sức hút mạnh mẽ cho thị trường bất động sản (BĐS) phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN