Đó là một ngôi làng nhỏ vẫn giữ được nét mộc mạc, đơn sơ và bình yên của người dân nơi đây. Mùa nhàn rỗi, trong những ngôi nhà gỗ với ô cửa sổ đủ màu sắc bắt mắt, người phụ nữ K’Ho miệt mài ngồi dệt thổ cẩm.
Là người đóng vai trò của “trung tâm lữ hành” ở buôn B’Nơr C, chị Rolan Cơ Liêng (33 tuổi) đã mở hẳn một khu vực đón tiếp du khách, trưng bày sản phẩm cà phê Arabica và giới thiệu quy trình sản xuất loại cà phê đặc sản này.
Sau khi giới thiệu cho khách về đặc sản cà phê địa phương, chị còn dẫn khách đi khắp buôn làng, kể cho họ về những nét văn hoá bản địa, cuộc sống của người dân hay về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.
Rolan chia sẻ: “Khách nước ngoài họ thích tìm hiểu về văn hóa lắm nên mình sẵn sàng bỏ thời gian để dẫn họ đi khám phá buôn làng nhằm quảng bá, giới thiệu về những nét riêng của người K’Ho. Đó cũng là một cách làm du lịch rất riêng của buôn làng”.
Nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều công ty du lịch, hãng lữ hành đã đưa một số buôn làng vào tour tham quan của mình. Qua đó, nhằm tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn khi nhiều điểm du lịch của phố núi Đà Lạt đã quá quen thuộc.
Đại diện Phòng Văn hóa huyện Lạc Dương cho rằng, tham quan du lịch ở các buôn làng dân tộc đang trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với những vùng ven của Đà Lạt.
Đặc biệt, ngay tại một số buôn làng còn hình thành những điểm dừng chân, quán cà phê, ăn uống, homestay… tại chỗ để phục vụ khách lữ hành nên du khách rất ưng ý.