Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, với tổng chiều dài có khả năng khai thác giao thông vận tải đường thủy là 913km, gồm 101 tuyến. Quy hoạch Cụm hành khách Thành phố Hồ Chí Minh tập trung trên các tuyến sông chính như sông Sài Gòn, Đồng Nai, kênh Tẻ, chợ Đệm - Bến Lức. Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì và phối hợp các cơ quan, UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện và đơn vị liên quan tổ chức rà soát, phân loại bến thủy nội địa và cập nhật, định hướng tổng hợp 457 vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030.
Trên cơ sở này, định hướng phát triển quy hoạch vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025 của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những tuyến như tuyến đi Thanh Đa, Bình Quới trên sông Sài Gòn; Bạch Đằng đi Quận 7, huyện Nhà Bè; Sài Gòn đi Bình Dương, Củ Chi; thành phố Thủ Đức; Cần Giờ... Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có các tuyến kết nối liên tỉnh, gồm: Tuyến phà biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh - Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị chia sẻ, doanh nghiệp du lịch - lữ hành luôn chung sức, chung lòng cùng Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đường thủy. Hiện nay, trong tổng số lượng du khách đường thủy, khách quốc tế chiếm hơn 90%, còn khách nội địa rất ít vì giá tour cao. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế sông ngòi nên có tiềm năng rất lớn trong khai thác du lịch đường thủy.
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, đại diện Câu lạc bộ Du thuyền Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lịch sử đường thủy tại Việt Nam đã hình thành lâu đời, đi cùng với đó là kinh tế sông cũng phát triển nhưng bị "bỏ quên" và chưa được đầu tư khai thác, bắt kịp xu thế mới. Vì vậy, sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh cần đưa thêm giải pháp và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch đường thủy thân thiện với môi trường, cung cấp loại hình giao thông mới, tăng tính trải nghiệm, tạo điểm đến mới.
Hiện, nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang ứng dụng đa dạng công nghệ mới vào khai thác taxi đường thủy vận hành bằng điện, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Thành phố Hồ Chí Minh và xu thế toàn cầu. Đồng thời, không chỉ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mà ngày càng nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành chú trọng phát triển du lịch đường thủy, xem đây là vấn đề cấp thiết trong đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường du lịch, góp phần giảm kẹt xe, đa dạng phương tiện vận chuyển hành khách.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện sở, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch - lữ hành, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc khai thác và phát triển du lịch đường thủy chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố. Trước bối cảnh này, Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc và một số đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy và khai thác hiệu quả sông Sài Gòn, đóng góp vào kinh tế - xã hội Thành phố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cũng cho rằng, để đạt được những mục tiêu đã đề ra theo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Thành phố giai đoạn 2023-2025, không chỉ cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương, mà sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành đóng vai trò nòng cốt. Trong đó, các bên cần liên kết phối hợp chặt chẽ trong một số hoạt động như quảng bá, xúc tiến du lịch đường thủy trên địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức để du khách trong và ngoài nước đến Thành phố Hồ Chí Minh tham quan, vui chơi, giải trí.