Thúc đẩy mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Hà Nội

Với 26,31 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội, tổng doanh thu đạt 77.480 tỷ đồng năm 2018 và trên 7,47 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 26.954 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nay song các nhà quản lý, chuyên gia du lịch vẫn đánh giá mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Thủ đô còn thấp.

Vấn đề này đặt ra bài toán cho ngành Du lịch Thủ đô trong việc tăng mức chi tiêu của du khách, đặc biệt khi du lịch được coi là ngành kinh tế lớn của Hà Nội.

Mức chi tiêu thấp hơn so với các thành phố trên thế giới

Theo Sở Du lịch Hà Nội, chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế mỗi ngày tại Hà Nội từ 2,1 triệu đồng đến hơn 2,6 triệu đồng (tương đương từ 91,5 - 113,5 USD) và khách nội địa từ 1,39 triệu đồng đến 1,75 triệu đồng (tương đương từ 60,55 - 75,9 USD) tùy vào điều kiện khách tham quan trong ngày hay lưu trú. Trong đó, chi phí thuê phòng (đối với khách lưu trú), ăn uống chiếm tỷ trọng lớn, tiếp đó là mua sắm và đi lại.

Chú thích ảnh
Khách du lịch nước ngoài tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

So sánh với các thành phố trong khu vực và trên thế giới, mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Hà Nội còn thấp. Chỉ tính riêng với khách quốc tế, nếu đến Hà Nội họ chi tiêu 113,5 USD/ngày thì tại Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) là 537 USD, Paris (Pháp) 301 USD, Singapore 286 USD, Phuket (Thái Lan) 239 USD, Palma de Mallorca (Tây Ban Nha) 220 USD, Seoul (Hàn Quốc) 181 USD, Bangkok (Thái Lan) 173 USD…

Có nhiều lý do để giải thích nguyên nhân này, thậm chí cả những người ngoài cuộc cũng có thể nhìn thấy rõ. Trong đó, phải kể đến hệ thống cơ sở mua sắm được đưa vào xây dựng thành tour du lịch dường như rất ít. Dù nhiều tổ chức, cá nhân bước đầu hình thành các chuỗi mua sắm phục vụ khách du lịch nhưng còn thiếu và yếu.

Hạ tầng các cơ sở này không đủ đáp ứng, hàng hóa nghèo nàn và việc kết nối với các công ty du lịch chưa chặt chẽ. Hàng hóa phục vụ khách đa phần là hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam giá trị gia tăng chưa cao.

Thời gian mua sắm của khách chỉ là tranh thủ trong hành trình tour hoặc mua trong khi tự do tham quan. Trong khi đó, tại các tour du lịch nước ngoài, điểm mua sắm thường được thiết kế trong tour du lịch, tổ chức chuyên nghiệp và người bán có nhiều phương thức kích thích khách mua sắm.

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho rằng, Hà Nội rất thiếu các điểm mua sắm và ẩm thực. Những địa điểm để người làm du lịch có thể tự tin giới thiệu đến du khách chưa nhiều.

Ngay cả với 1.300 làng nghề ở Hà Nội, dường như chưa phát triển được du lịch, bởi hạ tầng, dịch vụ còn hạn chế, sản phẩm đơn điệu. Ông Nguyễn Gia Phương mong muốn, Hà Nội hình thành được các khu mua sắm, ẩm thực lớn để phục vụ khách khi họ đến Thủ đô.

Sản phẩm du lịch cũng là lý do khiến thời gian lưu trú và vui chơi của du khách ở Hà Nội chưa nhiều. Tính bình quân, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội là 3,67 ngày, còn khách nội địa là 2,32 ngày. Thực tế, Hà Nội còn thiếu các khu du lịch tổng hợp (vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng) quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.

Sản phẩm du lịch của Hà Nội đang tập trung vào du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, còn một số khu vui chơi lớn như: Thiên đường Bảo Sơn, Tuần Châu - Quốc Oai còn ít. Nhiều người đang trông đợi vào các công trình trọng điểm phục vụ du lịch như: Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, Công viên Văn hóa Du lịch Giải trí Quốc tế Kim Quy (huyện Đông Anh), Khu Du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên (huyện Ba Vì) song tiến độ triển khai các dự án này còn chậm.

Từng bước thúc đẩy mức chi tiêu của du khách

Trước thực tế hình ảnh Hà Nội ngày được nâng cao, khách du lịch đến Thủ đô đang tăng trưởng tốt, vấn đề tăng mức chi tiêu cho khách để cải thiện nguồn thu từ du lịch được chính các nhà làm du lịch nhiều lần đặt ra.

Khắc phục thực trạng sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ sẵn có, Hà Nội đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm du lịch. Trong đó, phải kể tới 10 dự án đầu tư phát triển khu du lịch, công viên, khu vui chơi giải trí, dự án dịch vụ du lịch.

Đáng lưu ý, một số dự án có quy mô lớn, mở ra khả năng thu hút đông khách du lịch như: Công viên Văn hóa Du lịch Giải trí Quốc tế Kim Quy, dự án xây dựng Sân golf khu đất bãi ngoài đê sông Đuống, dự án đầu tư Khu Du lịch Sinh thái hồ Xuân Khanh… Các dự án này đang được thành phố thúc đẩy tiến độ, khắc phục tình trạng triển khai chậm trễ như thời gian qua để sớm đưa vào hoạt động.

Ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục nâng cấp một số tuyến, điểm du lịch hiện có để kết nối với doanh nghiệp du lịch đưa khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngành hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch tại một số điểm du lịch đặc trưng như: Làng họa sĩ Cổ Đô (huyện Ba Vì), làng nghề may Vân Từ (huyện Phú Xuyên), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, phố cũ. Sở Du lịch Hà Nội đang đề nghị thành phố có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các điểm du lịch văn hóa, khu vui chơi giải trí kết hợp thể thao… hình thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn theo hướng phát triển du lịch bền vững.

Đối với hệ thống mua sắm phục vụ khách du lịch, hiện nay, Hà Nội có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Về cơ bản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong quá trình hoạt động, thiết lập được hệ thống cửa hàng mua sắm.

Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chuyển biến theo hướng chất lượng, có thương hiệu ẩm thực. Dù vậy, so với nhu cầu mua sắm của khách du lịch, hệ thống này vẫn còn ít. Thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư bài bản cả về hạ tầng và chất lượng phục vụ.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành Du lịch sẽ chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bao gồm du lịch chất lượng cao, nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên, nguồn nhân lực tại chỗ là những người dân ở các khu, điểm du lịch. Trong đó, ngành quan tâm đến việc nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện cho những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện.

Năm 2019, Hà Nội phấn đấu đón trên 28,9 triệu lượt khách du lịch tăng 10% so với năm 2018, trong đó khách quốc tế là trên 7 triệu lượt khách, tăng 17%, tổng thu từ khách du lịch đạt 103.807 tỷ đồng, tăng 34%.

Đáng lưu ý, mức tăng của tổng thu từ khách du lịch năm 2019 cao hơn nhiều so với mức tăng 14,2% của năm 2018. Điều đó cũng đặt ra trách nhiệm cho ngành Du lịch Hà Nội trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, việc phát triển sản phẩm du lịch, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Đinh Thuận (TTXVN)
Du lịch Thủ đô đổi mới quảng bá hình ảnh
Du lịch Thủ đô đổi mới quảng bá hình ảnh

Mức phát triển của du lịch Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh, hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp, đó là điều ai quan tâm đến du lịch Hà Nội đều có thể nhận thấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN