Du lịch Thủ đô đổi mới quảng bá hình ảnh

Mức phát triển của du lịch Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh, hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp, đó là điều ai quan tâm đến du lịch Hà Nội đều có thể nhận thấy.

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành kinh tế không khói này, thành phố Hà Nội đang tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, hạ tầng du lịch, đổi mới công tác quảng bá...

Biến tiềm năng thành lợi thế

Không gian thanh bình của phố đi bộ những ngày cuối tuần. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Là quận trung tâm Hà Nội, nổi tiếng với di sản phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô.

Nhiều năm qua, quận Hoàn Kiếm đầu tư đáng kể cho phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó hoàn thiện hạ tầng cơ sở, chấn chỉnh trật tự đô thị, gìn giữ nét văn hóa truyền thống.

Điều có thể nhìn rõ nhất là không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động hơn một năm qua, đã tạo điểm đến thu hút khách du lịch.

Kế đó là tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, không gian đi bộ 6 tuyến phố trong khu bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội, chỉnh trang mặt đứng phố Tạ Hiện và Lãn Ông, khôi phục các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội…

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho rằng, Hà Nội với bề dày văn hóa hàng nghìn năm, chứa đựng nhiều di sản văn hóa, nếu không biến thành mảnh đất phát triển du lịch sẽ rất lãng phí tiềm năng.

Ông Hoàng Công Khôi đề xuất, để phát triển du lịch một cách xứng tầm, thành phố cần đầu tư mạnh cơ sở vật chất, phát triển du lịch chất lượng cao, tạo môi trường du lịch an toàn.

Không chỉ có tiềm năng văn hóa lịch sử, Hà Nội được biết tới có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái, trong đó, khu vực huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức… đang được đầu tư mạnh bằng các dự án có quy mô mang tầm quốc gia.

Thành phố đang tiến hành lập quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2030, quy hoạch các cụm du lịch: Sơn Tây – Ba Vì, Hương Sơn – Quan Sơn, núi Sóc – hồ Đồng Quan, Vân Trì – Cổ Loa…

Ông Hà Xuân Hưng, Bí thư Huyện ủy Ba Vì đề xuất, trong phát triển du lịch sinh thái, thành phố Hà Nội cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Đưa ra hai ví dụ hồ Suối Hai nhiều năm qua chưa thực hiện đầu tư và hiện nay là hồ Cẩm Quỳ, ông Hà Xuân Hưng cho rằng, nếu thành phố chậm triển khai sẽ cản trở rất lớn trong phát triển du lịch.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu Thủ đô. Trước mắt, thành phố sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nội gắn với chuỗi dịch vụ để liên kết hình thành tour du lịch theo từng thị trường khách cụ thể.

Đổi mới quảng bá hình ảnh

Tháp Rùa trên hồ Gươm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Từ trước đến nay, ngành Du lịch thường thực hiện xúc tiến, quảng bá điểm đến theo hình thức truyền thống là tham gia hội chợ. Tuy vậy, trong thời đại bùng nổ thông tin, việc xúc tiến quảng bá đang được mở rộng theo xu hướng mới, tiếp cận rộng hơn với các thị trường khách.

Ông Đỗ Đình Hồng, Bí thư Huyện ủy Mê Linh, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, Sở Du lịch Hà Nội đã gặp gỡ một tập đoàn truyền thông du lịch của Đức. Tập đoàn này mong muốn quảng bá du lịch Hà Nội ở thị trường Tây Âu do họ rất thông thạo thị trường này.

Phía đối tác khẳng định tất cả hình thức truyền thông họ lo và sẽ mang thị trường khách Tây Âu sang Hà Nội tăng 15%, đồng thời thu của Hà Nội một khoản kinh phí nhất định.

Đưa ra ví dụ này, ông Đỗ Đình Hồng mong muốn thành phố có các hình thức đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đạt hiệu quả cao.

Ngay tại Hà Nội, một số hãng lữ hành cũng tiếp cận với hình thức quảng bá mới, điển hình như Tập đoàn Thiên Minh làm quảng bá du lịch rất tốt trên truyền thông.

Tập đoàn này hiện là một trong những doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và khách sạn lớn nhất Việt Nam, có nhân viên ở 36 nước trên thế giới và thực hiện mua bán trực truyến hiệu quả.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Du lịch Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng thành phố du lịch thông minh, cố gắng hoàn thành trong năm 2018. Khi đó, du khách đến Hà Nội không phải sử dụng bất kỳ giấy tờ nào mà thực hiện trên phần mềm công nghệ thông tin.

Một trong những trọng tâm trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời gian tới của Hà Nội là phối hợp, giám sát mạng Tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền, quảng bá về Hà Nội triển khai trong giai đoạn 2017 – 2018, có thể mở rộng các hoạt động hợp tác liên quan.

Đây là sản phẩm quảng bá của Hà Nội được đầu tư bài bản, có sự tham gia, tư vấn, góp ý kiến của các chuyên gia sản xuất phim của mạng Tin tức truyền hình cáp CNN, quảng bá những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội gắn với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đất nước Việt Nam.

Là ngành kinh tế tổng hợp do liên quan đến nhiều ngành nghề khác, đồng thời cũng là ngành có tính liên vùng cao, việc phát triển du lịch không phải tự thân ngành du lịch làm được mà cần sự phối hợp của nhiều ngành và nhiều địa phương.

Hy vọng, du lịch Thủ đô sẽ có một diện mạo mới, có tính cạnh tranh cao khi mà thành phố Hà Nội đang có những quan tâm đáng kể đưa ngành công nghiệp không khói này phát triển.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô
Xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô

Ngày 9/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN