Thừa Thiên - Huế cần đổi mới tư duy phát triển du lịch

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định trong làm du lịch, Thừa Thiên - Huế phải để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia quản lý, chính quyền đừng ôm việc, đừng quá trông cậy vốn nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Chiều 7/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhất là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, cải thiện môi trường để thu hút đầu tư, kinh doanh. Về phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế là phải kiên định mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội, Thừa Thiên - Huế cần lấy việc phát triển du lịch - dịch vụ làm đầu; tỉnh cần đổi mới tư duy làm du lịch, hoạt động du lịch phải có liên kết vùng; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, đặc biệt là phải tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn với nghỉ dưỡng, hội thảo...

Du lịch di sản của Huế đa dạng và đặc sắc, thu được gần 5 triệu USD tiền vé tham quan nhưng đền AngkoVat của Campuchia mỗi năm số thu này gấp nhiều lần Huế. Thừa Thiên- Huế ngoài ra còn có lợi thế du lịch biển, rừng nhưng vẫn vướng. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi phải chăng là vướng tư duy.

Lấy ví dụ về khu đầm phá Tam Giang, rộng 22.000 ha của Thừa Thiên- Huế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Từ trên cao nhìn xuống mới thấy phá Tam Giang đẹp như thế mà ta không khai thác được thì thật là lãng phí. Câu chuyện ở đây là phải thay đổi tư duy của người làm du lịch, kinh tế. Phải chuyển mạnh sang thị trường khi làm du lịch, để người dân và doanh nghiệp tham gia quản lý, phát triển du lịch, chính quyền đừng ôm việc, đừng quá trông cậy vào nhà nước về vốn”.

Theo Phó Thủ tướng, tỉnh cần xây dựng một Đề án cụ thể để khai thác lợi thế của vùng đầm phá này theo chủ trương quy hoạch phá Tam Giang của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân vùng để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng,… để kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược một cách hiệu quả nhất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chính phủ sẽ sớm ban hành gói tổng thể hỗ trợ cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Trong đó, chú trọng việc khôi phục, tái tạo môi trường biển và nguồn lợi thủy sản. Có chính sách tín dụng vay vốn, khôi phục sản xuất; chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách giãn nợ, khoanh nợ... Khi thực hiện chính sách này Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch, sớm hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng thoát khỏi khó khăn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo Thừa Thiên - Huế bám sát các Nghị quyết của Chính phủ để tiếp tục có những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, lựa chọn công nghiệp công nghệ cao để phát triển, sớm xây dựng đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, không đầu tư dàn trải.

Về nông nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trọng tâm, cụ thể theo hướng vùng núi làm gì, đồng bằng làm gì, vùng đầm phá ven biển làm gì. Tỉnh cần tập trung quyết liệt thực hiện thực hiện Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: Năm 2016 tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn các năm trước gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Sáu tháng đầu năm, kinh tế phát triển ổn định với mức tăng trưởng 6,04%; trong đó khu vực dịch vụ tăng 8,03%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,36%. Tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt gần 1,7 triệu lượt, tăng 6,7% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 50% dự toán năm, tăng 19,8% so cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương bằng 39,5% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư đạt 8.167 tỷ đồng, bằng 43,7% KH năm, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều thành quả tốt đẹp.

Tuy vậy, sự cố môi trường biển đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. Ước tính thiệt hại do sự cố môi trường biển đã làm giảm tăng trưởng GRDP chung toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 1% và còn ảnh hưởng, tác động tiêu cực lâu dài đến toàn bộ nền kinh tế.

Thừa Thiên - Huế đề nghị Trung ương sớm có giải pháp khắc phục làm sạch môi trường biển; hỗ trợ tiếp tục quan trắc môi trường biển, đầm phá, để kịp thời cảnh báo chính xác cho người dân biết; hỗ trợ xây dựng, nâng cao năng lực Trung tâm quan trắc môi trường. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân; có chính sách đối với sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; chính sách đối với lĩnh vực du lịch biển; hỗ trợ đầu tư hạ tầng phát triển công nghiệp vùng ven biển, đầm phá...

Quốc Việt (TTXVN)
Đại Nội Huế - điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam
Đại Nội Huế - điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam

Tại Lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2016 mới đây, di tích Đại Nội Huế đã được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hiệp hội Du lịch Việt Nam chọn là điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN