Vườn quýt hồng Hai Kiệt ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, những ngày này nhộn nhịp du khách đến từ trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Với trang phục áo dài, áo bà ba kết hợp với chiếc khăn rằn, nón lá, khách du lịch say mê chụp ảnh cùng những cây quýt mang nhiều quả to bóng, màu vàng trông khá bắt mắt. Trong vườn có bố trí những tiểu cảnh, cây cầu tre bắc qua con mương, xuồng ba lá… để du khách trải nghiệm và chụp ảnh.
Ông Đoàn Anh Kiệt, chủ Điểm tham quan vườn quýt hồng Hai Kiệt cho biết, ông đã có thâm niên 24 năm trồng quýt hồng. Vườn quýt của ông rộng 5.000 m2, thời điểm xử lý để lấy quả đầu vụ gặp thời tiết thuận lợi nên quả nhiều, bóng đẹp. Năm nay, ông kinh doanh dịch vụ du lịch, đón khách vào tham quan vườn quýt, chụp ảnh, kết hợp phục vụ ăn uống, dã ngoại. Ông dành một khu vực cho du khách lựa chọn, tự tay hái những quả quýt hồng, mang về làm quà cho người thân với giá bán 60.000 đồng/kg.
Tranh thủ ngày nghỉ, chị Nguyễn Thị Minh Quang ở tỉnh Vĩnh Long cùng người thân đi tham quan vườn quýt hồng Hai Kiệt. Chị Quang chia sẻ, chị cảm thấy vui và hào hứng vì đây là lần đầu tiên chị đến vườn quýt hồng. Trên cành, quýt sai trĩu quả, từ màu vàng cam của quả kết hợp màu xanh của lá nên gia đình chị có những bức ảnh lưu niệm rất đẹp. Đặc biệt, chủ vườn quýt vui vẻ, nhiệt tình giới thiệu về cây quýt hồng, giúp chị có thêm hiểu biết về loài cây đặc sản của huyện Lai Vung.
Anh Phan Văn Sang, chủ Điểm tham quan vườn quýt hồng Ba Liên (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cho hay, sau 4 năm chuyển đổi canh tác theo quy trình sản xuất hữu cơ, đến nay, vườn quýt hồng rộng 2 ha của gia đình anh phát triển khá tốt, quả to, da bóng và màu sắc đẹp. Anh khai thác dịch vụ tham quan vườn quýt khoảng 1 tháng nay. Mỗi ngày thu hút vài chục lượt khách, vào ngày cuối tuần hơn 100 lượt khách và thời gian gần Tết Nguyên đán thì lượng khách đến càng nhiều hơn. Anh Sang cũng đang cải tạo khu vườn còn lại, trồng táo và quýt hồng với diện tích 1,3 ha.
Có dịp đến tham quan vườn quýt hồng Ba Liên, chị Nguyễn Thị Xuân Trang ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, vào vườn được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ; có những bức ảnh đẹp với quýt hồng. Điểm tham quan có đầu tư, bố trí những tiểu cảnh; trồng những giàn bầu, giàn mướp. Đến đây, chị còn thưởng thức nhiều món ăn chế biết từ quýt như cá lóc sốt quýt hồng, gà nấu quýt, nước ép quýt…
Nhiều nông dân trồng quýt ở Lai Vung cho hay, đối với cây quýt hồng, từ ngày xử lý cho ra hoa đến ngày thu hoạch mất từ 10 tháng rưỡi tới 11 tháng. Quýt hồng Lai Vung là loại cây trồng “khó tính”, đòi hỏi nhiều kỹ thuật; mỗi năm, chỉ cho quả duy nhất 1 vụ và thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Khi chín, quả quýt hồng có màu vàng đậm, bóng, đẹp nên nhiều người chọn mua để trưng Tết.
Lai Vung được mệnh danh là “thủ phủ” quýt hồng bởi thời hoàng kim, nơi đây có hơn 1.000 ha trồng loại cây này. Tuy nhiên, những năm qua, bệnh vàng lá, thối rễ tấn công gây hại đã làm thiệt hại lớn những vườn đang cho quả, làm giảm diện tích trồng quýt hồng. UBND huyện đã triển khai Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và nhà vườn, nhiều vườn quýt hồng dần phục hồi và phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, hiện diện tích trồng quýt hồng của huyện hơn 220 ha, phần lớn áp dụng quy trình canh tác hữu cơ theo Đề án bảo tồn vườn quýt hồng nên phát triển rất tốt. Một số nhà vườn trồng quýt hồng có điều kiện thuận lợi về giao thông, người quản lý… đã đầu tư mở điểm du lịch, cho du khách tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh trong vườn quýt kết hợp phục ăn uống. Quýt hồng là một trong những đặc sản nổi tiếng gần xa của Lai Vung, mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc chờ đến ngày thu hoạch, bán quýt thông thường, nhà vườn còn có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác dịch vụ du lịch tham quan vườn quýt.
Huyện Lai Vung có hơn 10 điểm tham quan vườn quýt hồng, tập trung ở các xã Long Hậu, Tân Thành, Hòa Thành và Vĩnh Thới; thời gian hoạt động từ nay đến cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Với mỗi vé vào cổng có giá 50.000 đồng đối với người lớn, 30.000 đồng đối với trẻ em, du khách được thưởng thức quýt hồng, tham quan, chụp ảnh trong vườn quýt, trải nghiệm bơi xuồng, đi cầu khỉ… Tại các điểm tham quan vườn quýt có gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương; bố trí khu vực cho khách du lịch tự tay hái những quả quýt hồng mang về làm quà cho người thân; phục vụ các món ăn đặc sản miền Tây.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung Nguyễn Hữu Hiền, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng để giữ vững thương hiệu quýt hồng Lai Vung. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đã định hướng, tuyên truyền, vận động và nhà vườn thấy được lợi ích nên đã đầu tư mở điểm tham quan vườn quýt. Ngành chức năng huyện quan tâm hỗ trợ các điểm tham quan như tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tiếp đón khách du lịch; công tác quảng bá; hướng dẫn việc chỉnh trang, tạo cảnh quan sạch đẹp; đồng thời, nhắc nhở các điểm tham quan nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ ân cần, chu đáo, tạo ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp đối với du khách về đất và người Lai Vung.