Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam - Bài cuối: Nâng chất nguồn nhân lực tại chỗ

Theo các nhà quản lý, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, ngoài việc tháo gỡ nút thắt từ visa, cơ sở hạ tầng, còn phải bổ sung thêm nhiều nhân lực cũng như nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các điểm đến.

Chú thích ảnh
Các nhà hàng, khách sạn trên cả nước đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng sau mùa dịch. 

Nhân lực yếu và thiếu

Theo bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours, muốn giải bài toán làm sao nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng của ngành hiện nay là thiếu nhân lực trầm trọng, cần giải quyết bài toán này.

"Sau 2 năm bị kìm nén vì dịch bệnh, nhu cầu du lịch nội địa bùng phát mạnh mẽ đã khiến cơ sở hạ tầng ngành du lịch "quá tải" trầm trọng. Mới đây, Viettours tổ chức đưa một đoàn khách MICE gồm 600 người tới TP Hồ Chí Minh nhưng 1 khách sạn 5 sao quốc tế thông báo phải tới 23 giờ đêm mới có phòng cho khách vì không có người dọn phòng. Tương tự, các điểm đến đều thông báo "full" dịch vụ, hết phòng khiến công ty lữ hành không dám nhận thêm khách…", bà Tuyết Lan chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: "Nếu chúng ta chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam, khi chưa phục hồi du lịch Việt Nam thì chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế Việt Nam. Muốn phục hồi du lịch, chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao và dồi dào. Tuy nhiên, sau đại dịch nguồn nhân lực của chúng ta gần như đứt gãy hoàn toàn. Thực tế, lao động ngành không chỉ thiếu mà còn suy giảm mạnh về chất lượng. Nếu chúng ta không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ tập trung cho các cơ sở đào tạo về du lịch, thiết kế chương trình đào tạo nhanh nhất để phục hồi nhanh chóng nguồn nhân lực thì sẽ rất khó để đảm bảo chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm trong giai đoạn tới".

Chú thích ảnh
Một số công ty du lịch cũng rơi vào cảnh thiếu nhân viên điều hành, sale, hướng dẫn... để khôi phục lại hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc điều hành khách sạn Silk Path Hà Nội, đơn vị bà hoạt động xuyên suốt trước trong và sau dịch vì làm khách sạn cách ly. Tuy nhiên, hiện nay có lúc những bộ phận của đơn vị chỉ còn 10% nhân viên so với thời gian trước dịch. Trong khi trước dịch, lao động và sinh viên mới ra trường xin được vào làm ở các đơn vị lưu trú uy tín đã là may mắn. Nhưng bây giờ, để có nguồn lao động chúng tôi phải đến các trường để hẹn gặp các bạn và mời các bạn vào làm việc tại công ty mình. Thậm chí, một số nơi còn chấp nhận nhận sinh viên chưa ra trường về làm việc chỉ để đáp ứng đủ nhân lực phục vụ du khách. 

Tại TP Hồ Chí Minh, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, trong và sau đại dịch, tại đơn vị có một bộ phận không nhỏ xin nghỉ và chuyển làm nghề khác. Vì  thế, khi ngành du lịch khôi phục trở lại, đơn vị cũng rơi vào cảnh thiếu nhân lực. Để có đủ nhân lực phục vụ, Vietravel đang tiếp tục bổ sung từ nguồn liên kết với các trường đại học, cao đẳng. Những vị trí mà đơn vị đang tuyển dụng nhiều là nhân viên kinh doanh, điều hành tour, hướng dẫn viên...

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST tourist cũng cho hay, đơn vị đang rao tuyển cả lao động vừa ra trường và chấp nhận về đào tạo lại nhằm chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế vào mùa cuối năm. 

Thu hút lao động có kinh nghiệm

Để thu hút lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới, ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng,  doanh nghiệp cần thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc, đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế... Đối với lực lượng lao động tuyển dụng mới, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để có việc làm sau mùa dịch,  người lao động cần tích cực học hỏi các kỹ năng sử dụng công nghệ số, liên tục phát triển các kỹ năng “mềm”, trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, lấy khách hàng làm trung tâm, tiếp thị và quảng bá… để có được việc làm ưng ý. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, tăng cường tổ chức đào tạo tại chỗ cho người lao động về công nghệ thông tin, kiến thức về dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thân thiện với môi trường theo kế hoạch cả trung và dài hạn Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần rà soát, cập nhật quy định, chính sách về hỗ trợ việc làm, đánh giá, phân loại lao động; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về mô hình kinh doanh mới, thị trường và sản phẩm mới.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tổ chức đón nhiều đoàn khách quốc tế sau mùa dịch.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên kết, hợp tác trong hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch, TP Hồ Chí Minh đã cùng nhiều tỉnh, thành liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Từ năm 2019 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận với năm vùng du lịch và hai thành phố là Hà Nội và Đà Nẵng, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch là một trong những nội dung cơ bản được ký kết. Triển khai các nội dung hợp tác, Sở Du lịch thành phố phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Saigontourist, cụm du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn về du lịch, với các chuyên đề về kỹ năng quản lý khách sạn nhỏ và homestay, quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương.

Không chỉ thế, nhiều cơ sở đào tạo của TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động liên kết với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long để tổ chức đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ khách sạn, lữ hành cho hàng ngàn lao động.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng khuyến nghị, để bổ sung nguồn nhân lực du lịch và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành trong giai đoạn tới, có thể mời lại những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay trở lại với nghề. Các địa phương cũng cần đánh giá lại thực trạng du lịch, phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch bền vững để có thể khôi phục lại ngành du lịch trong thời gian tới. 

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam - Bài 1: Không như kỳ vọng
Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam - Bài 1: Không như kỳ vọng

Sau gần hai năm du lịch "đóng băng" vì COVID-19, từ ngày 20/11/2021 Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế tại 5 địa phương và mở lại tất cả thị trường từ ngày 15/3/2022. Thống kê cho thấy, tăng trưởng khách quốc tế 7 tháng đầu năm đạt trung bình 62%/tháng, nhưng mới đạt 15% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do còn nhiều nút thắt về visa, hạ tầng, nhân lực không được giải quyết triệt để.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN