Loại hình du lịch chủ đạo
Theo ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là loại hình du lịch chủ đạo, tạo đột phá cho du lịch của tỉnh Cà Mau. Do vậy, trên cơ sở Quyết định số 744 ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 và theo Chương trình phát triển tổng thể du lịch Cà Mau giai đoạn 2005 - 2010, định hướng đến năm 2020, Cà Mau đang tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu Du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau và Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ; phát triển du lịch các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, bãi bồi Khai Long...
Tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển mạnh loại hình du lịch trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng đi đôi với đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá hiện có, gắn với bản sắc văn hóa địa phương.
Riêng với tuyến du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Ban Quản lý Khu du lịch Đất Mũi cho biết các tuyến đi tham quan rừng ngập mặn, bãi bồi, đang được tích cực thực hiện, vừa tạo thêm trải nghiệm cho du khách, vừa góp phần nâng cao ý thức của du khách, cũng như chính mỗi người dân Cà Mau về giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá của đất nước. Đó là các tuyến tham quan khám phá giếng trời - rừng nguyên sinh; tuyến tham quan bãi bồi ven biển Đông - rừng ngập mặn - bãi bồi ven biển Tây; tham quan rừng tự nhiên - cồn Ông Trang…
Đề cập thêm về phát triển du lịch theo hướng xanh, bảo vệ môi trường tự nhiên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau khẳng định: Đối với tỉnh Cà Mau, tài nguyên du lịch là di sản vô giá cần được bảo tồn, phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, bao giờ cũng gắn liền với văn hóa, với cộng đồng để người dân hiểu giữ rừng chính là giữ cuộc sống của chính mình. Nếu để mất rừng, hậu quả sẽ khôn lường. Trong quá trình phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp làm du lịch ở Cà Mau luôn quan tâm gắn liền với việc tổ chức, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Đơn cử, khi đưa vào khai thác các tuyến du lịch xuyên rừng, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các hộ ở địa phương không có điều kiện khai thác thủy sản xa bờ trong bối cảnh hạn chế đánh bắt ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản chuyển sang tham gia đảm nhận các dịch vụ du lịch phù hợp.
Theo số liệu từ Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Cà Mau), hiện nay toàn tỉnh có 14 điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang được khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế tiềm năng, gắn với văn hóa bản địa, nâng cao thu nhập, bảo đảm sinh kế cho người dân trên địa bàn. Các điểm du lịch cộng đồng hầu hết tập trung tại các huyện Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau.
Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng phát triển mạnh đã góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để họ tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Chẳng hạn, tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, các tuyến du lịch xuyên rừng đều được khai thác theo hướng phát triển du lịch thân thiện với môi trường, du lịch sinh thái, bảo tồn hệ sinh thái rừng với sự chung tay của các cơ quan chức năng và người dân.
Người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch
Giờ đây, du khách đến với Mũi Cà Mau không chỉ tìm về với vùng đất thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử như: Điểm cuối đường Hồ Chí Minh, Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, Biểu tượng Mũi tàu Cà Mau… mà còn bởi các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đang ngày càng phát triển mạnh.
Một trong những điểm du lịch xanh, du lịch sinh thái nổi bật ở Cà Mau là điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi của gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần (thường gọi là Tư Nhuần), ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng này được hình thành từ năm 2014, bắt đầu từ sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Tổ chức SIDA, Thụy Điển).
Điểm du lịch cộng đồng này gồm 9,1 ha rừng ngập mặn, trồng đước, mắm và nuôi thủy sản. Trên diện tích này, ông Nhuần đã tạo dựng không gian thư giãn hợp lý để đón khách với những nhà sàn trên mặt nước, sàn gỗ, lợp lá. Đến đây, du khách vừa được nghỉ ngơi, thư giãn trong không khí trong lành, tham quan rừng đước, vừa được thưởng thức những món hải sản tươi sống đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ngoài ra, du khách còn có thể bơi xuồng trong vuông tôm, được trải nghiệm hoạt động câu cá, đi soi bắt ba khía, câu cá, mò vọp, bắt ốc len, sò huyết... Đặc biệt, với tuyến xuyên rừng, khách đến đây còn được đi tham quan bãi bồi, rừng nguyên sinh, quan sát các loài động vật sinh sống dưới tán rừng.
Ông Nguyễn Văn Nhuần chia sẻ, làm du lịch cộng đồng, ông luôn có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Trên diện tích được giao gồm 9,1 ha, ông thực hiện nghiêm quy định đảm bảo 60% diện tích trồng rừng, 40% diện tích còn lại được phép nuôi trồng thủy sản, tạo các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Ông và các thành viên trong gia đình luôn hiểu giữ rừng cũng chính là để đảm bảo cuộc sống ổn định cho mình và mọi người. Vì vậy, các hoạt động khai thác du lịch không được tác động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rừng. Gia đình ông phải thường xuyên nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường, không chặt phá cây rừng, không xả rác bừa bãi…
Ngay tại điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi, chúng tôi đã gặp một nhóm du khách trẻ đến từ Thủ đô Hà Nội đang có chuyến tham quan về Đất Mũi Cà Mau. Chị Nguyễn Thu Nga, một du khách hào hứng cho biết: Là phóng viên trẻ đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội, chị đã có cơ hội đến nhiều vùng, miền của đất nước. Nhưng khi đến Cà Mau, về xã Đất Mũi, đi theo tuyến tham quan xuyên rừng, tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm theo hướng thân thiện với môi trường, chị có cảm nhận rất riêng, đó là sự gần gũi, gắn bó giữa con người với thiên nhiên, khi được đi xuồng dưới tán rừng đước, lội xuống bãi bồi…
Bài 3: Vượt qua thử thách