Nhiều lợi thế
Khái quát về nguồn tài nguyên, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
Đây cũng là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh có trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đáng chú ý, cùng với An Giang, Cà Mau là một trong hai tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau nằm trong hệ thống quy hoạch 46 khu du lịch quốc gia của cả nước.
Cà Mau là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có rừng, có biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt… ; có nguồn lợi thủy sản phong phú, là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa với những nét đặc trưng của người dân vùng sông nước.
Các điểm du lịch nổi tiếng có thể nhắc tới ở Cà Mau là: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, Đầm Thị Tường, các vườn chim tự nhiên, điểm du lịch cộng đồng tại Khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu vực các huyện U Minh, Trần Văn Thời...
Không chỉ có vậy, Cà Mau còn sở hữu tài nguyên du lịch gắn liền với nét văn hóa bản địa, với những sự kiện lịch sử, chiến công hiển hách của cha anh bảo vệ sự vẹn toàn, thống nhất hòa bình và phát triển của đất nước.
Chẳng hạn, tại xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời có Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc là cụm đảo gồm ba hòn nhỏ nằm liền nhau, được xem như nét chấm phá kỳ diệu của thiên nhiên với những câu chuyện huyền bí về bàn tay Tiên, bàn chân Tiên, giếng Tiên, sân Tiên... Đặc biệt, đây chính là nơi từng diễn ra chiến dịch của các lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đánh thắng cuộc xâm nhập của tổ chức phản cách mạng do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu trước đây. Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công nhận Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là Di tích lịch sử Quốc gia…
Ở Cà Mau cũng có Lễ hội Nghinh Ông sông Đốc diễn ra từ ngày 14- 16 tháng 2 âm lịch hằng năm tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Đây là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời của ngư dân Cà Mau, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gửi gắm mong muốn về những chuyến ra khơi bình an, thuận lợi, đánh bắt được nhiều tôm, cá…
Xây dựng thương hiệu bằng sản phẩm đặc sắc
Đa dạng sản phẩm, tạo được sự mới mẻ, phong phú để du khách đến thăm không chỉ một lần, nhưng lại không trùng lặp với các địa phương khác trong cùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây (gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang) nói riêng là điều đã và đang được những người làm du lịch ở vùng cực Nam đất nước trăn trở để từng bước thực hiện hiệu quả.
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch của địa phương, ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, thương hiệu của du lịch Cà Mau được xây dựng gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương. Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc…
Theo đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với phát triển du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng tập trung phát triển các khu vực có nhiều tiềm năng và động lực để phát triển du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch đảm bảo đồng bộ, chính xác nhằm xác định cơ cấu ngành dịch vụ du lịch trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh. Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tỉnh chú trọng phát triển các loại hình du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng… Các doanh nghiệp chú trọng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng, quy hoạch du lịch Cà Mau.
Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Cà Mau: Trong gần 10 tháng của năm 2019, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt trên 1,3 triệu lượt tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lượng du khách quốc tế tăng trên 4% và khách nội địa tăng trên 15% so cùng kỳ năm 2018. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 59 cơ sở lưu trú là khách sạn với trên 2.200 phòng. Các cơ sở lưu trú đã được xếp hạng vẫn giữ được chất lượng, quan tâm nâng cao trang thiết bị, tiện nghi phục vụ, đào tạo lao động để nâng cao tính chuyên nghiệp, đầu tư mở thêm nhiều dịch vụ mới.
Nhằm không ngừng đổi mới, đa dạng sản phẩm du lịch, tỉnh Cà Mau cũng đã đầu tư và đưa vào khai thác tuyến tham quan du lịch xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau gồm 4 tuyến với những nét đặc trưng, đi qua các điểm như: Kênh Rạch Mũi, tham quan điểm nuôi hàu lồng - kênh Rạch Vàm, điểm dừng chân bãi bồi phía Tây… Với chuỗi sản phẩm du lịch gắn với điểm cực Nam và điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi, tuyến du lịch xuyên rừng được xem là sản phẩm du lịch mới và cho đến thời điểm hiện tại chỉ có ở Cà Mau.
Tỉnh còn quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển du lịch. Đến thời điểm này đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể như: Sản phẩm tôm khô Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), cá khô bổi (huyện U Minh), khô khoai Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), cua Năm Căn, bồn bồn Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước), bánh phồng tôm Hàng Vịnh (Năm Căn), mắm lóc Thới Bình..., góp phần mang đến cho du khách những cảm nhận ấn tượng về đặc sản ẩm thực của vùng đất Cà Mau.
Đánh giá về công tác phát triển sản phẩm du lịch của các địa phương trong cụm liên kết, bà Cao Xuân Thu Vân - Cụm trưởng Cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Trong quá trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch, các địa phương thuộc khu vực phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương để tạo sự khác biệt. Đối với An Giang, sản phẩm đặc sắc là du lịch tâm linh, thành phố Cần Thơ là sản phẩm du lịch sông nước, Bạc Liêu là sản phẩm du lịch từ chính những công trình phát triển kinh tế như công trình điện gió, khu nuôi tôm theo công nghệ cao… Còn đối với Cà Mau, sản phẩm du lịch nổi bật là những điểm đến thiêng liêng gắn với vị trí địa lý của vùng đất cực Nam, là du lịch sinh thái cộng đồng, những tour, tuyến du lịch xuyên rừng rất thú vị.
Bài 2: "Chìa khóa" là du lịch xanh