Theo đó, du khách từ Việt Nam và Australia sẽ có thể xin cấp phép đi lại bằng đường không để vào Singapore từ ngày 1/10, và ngày sớm nhất họ có thể vào nước này là ngày 8/10.
Kế hoạch cấp phép đi lại bằng đường không được phép thực hiện với tất cả các hình thức đi lại ngắn hạn, kể cả du lịch nghỉ dưỡng. Kế hoạch này không giống như những hiệp định “làn xanh” tương hỗ giữa các nước, thường chỉ cho phép đi lại phục vụ công việc thiết yếu. Tuy nhiên, du khách sẽ phải làm xét nghiệm nhanh đối với virus SARS-CoV-2 khi đến Singapore và có thể thực hiện các dự định của mình khi có kết quả âm tính. Họ sẽ phải sử dụng ứng dụng truy vết TraceTogether trong suốt thời gian lưu trú tại Singapore, cùng với những điều kiện khác.
Cơ quan hàng không dân dụng Singapore (CAAS) đánh giá cả Việt Nam và Australia đều có hệ thống giám sát y tế công cộng toàn diện và đã kiểm soát thành công dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cơ quan này cũng đánh giá nguy cơ ca nhiễm “nhập khẩu” từ hai nước này là thấp, đồng thời lưu ý rằng trong 28 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong khi Australia (trừ bang Victoria) có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp ở mức 0,02 ca trên 100.000 người.
Việt Nam và Australia cùng với New Zealand và Brunei là 4 nước mà Singapore đơn phương mở cửa biên giới trong những nỗ lực của “đảo quốc sư tử” nhằm khôi phục thị trường du lịch và đi lại. Kể từ khi những hạn chế biên giới đối với du khách từ Brunei và New Zealand được dỡ bỏ vào ngày 8/9, CAAS đã cấp phép cho 331 du khách từ hai nước này. Tính đến chiều 30/9, đã có 136 du khách đến Singapore và tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
CAAS cũng cho biết tất cả các công dân Singapore hay người có thẻ làm việc dài hạn từ Việt Nam và Australia (trừ bang Victoria) trở về sẽ được làm xét nghiệm ngay khi nhập cảnh. Điều này sẽ thay thế cho quy định hiện nay là cách ly tại nhà 7 ngày với việc xét nghiệm trước và sau khi hết thời hạn cách ly.
Việc mở cửa cho du khách từ Việt Nam và Australia (trừ bang Victoria) được cho là bước đi tiếp theo nhằm khôi phục hoạt động của sân bay Changi vốn là một phần then chốt của nền kinh tế Singapore, trước đại dịch vốn đóng góp hơn 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và tuyển dụng 192.000 lao động.