Lãnh đạo huyện Phú Quốc nhấn mạnh: Huyện tập trung phát triển du lịch đảo ngọc đi vào chiều sâu, chất lượng cao, bền vững để đến năm 2025, “ngành công nghiệp không khói” này thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của huyện, góp phần tạo động lực, sức bật cho nhiều lĩnh vực ngành nghề khác phát triển.
Huyện Phú Quốc xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo, đặc trưng của đảo ngọc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết: “Ngoài những sản phẩm du lịch hiện có trên đảo, huyện khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Xây dựng, mở rộng các tour, tuyến du lịch kết nối với các vùng trong nước, khu vực và thế giới. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Phát huy hiệu quả các dự án du lịch đã được đầu tư đưa vào khai thác, đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư có chọn lọc, phát triển cân đối giữa cơ sở lưu trú và các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, tạo sự khác biệt riêng có của Phú Quốc. Huyện phấn đấu trong 5 năm tới đón 10 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch trở lên, tăng bình quân 15%/năm, trong đó khách quốc tế khoảng 4 triệu lượt khách.”
Cùng với đó, huyện Phú Quốc tập trung nguồn lực từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là giao thông, điện, nước, viễn thông… Nâng cao năng lực vận chuyển hành khách đường hàng không và đường thủy, mở các đường bay nội địa và quốc tế phù hợp, phát triển phương tiện giao thông công cộng trên đảo. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch để thu hút du khách, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
Để hỗ trợ phát triển du lịch đảo ngọc, huyện đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ như: Tài chính, ngân hàng, viễn thông, tư vấn, y tế, giải trí, các loại hình dịch vụ thương mại… đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Triển khai thực hiện dự án khu phi thuế quan, kêu gọi đầu tư 2 Trung tâm Thương mại Dương Đông và An Thới, hệ thống siêu thị. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, uy tín hàng hóa thương hiệu Phú Quốc như: nước mắm truyền thống, hồ tiêu, rượu sim…
Theo lãnh đạo huyện Phú Quốc, trong 5 năm qua (2015 - 2020), khách du lịch đến đảo ngọc bình quân mỗi năm tăng 28%, đến năm 2020, mặc dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19, lượng du khách đến Phú Quốc đạt khoảng 3 triệu lượt khách. Các công trình kết cấu hạ tầng trên đảo được đầu tư ngày một hoàn thiện đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hàng hóa quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, các dự án phát triển du lịch… tạo thuận lợi cho Phú Quốc phát triển nhanh và mạnh, nhất là lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt, đường hàng không trung bình có 40 chuyến bay hạ và cất cánh/ngày, đường biển 8 - 10 chuyến tàu khách và 8 chuyến phà/ngày đưa du khách đi và đến Phú Quốc nhanh chóng, tiện lợi, an toàn. Trên đảo, nhiều truyến đường bộ có quy mô đầu tư lớn theo hướng đường cao tốc được hoàn thành đưa vào sử dụng như: Đường trục chính Nam - Bắc đảo, đường vòng quanh đảo, đường trung tâm đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3 - Khu Bãi Trường và các tuyến nhánh, đường cơ động phía Bắc đảo, đường Bãi Thơm - Hàm Ninh… phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết: “Đến nay, Phú Quốc đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư đã làm cho kinh tế của huyện tăng trưởng nhanh, nhất là du lịch đảo ngọc phát triển mạnh mẽ. Cụ thể như: Vin Group, Sun Group, BIM Group, CEO Group, MIK Group, Milltol… làm thay đổi đáng kể diện mạo Phú Quốc, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.
Toàn huyện hiện có hơn 320 dự án đầu tư, với tổng diện tích gần 10.950 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 340.360 tỷ đồng, phần lớn tập trung trên lĩnh vực du lịch. Trong đó, có gần 50 dự án đã đưa vào khai thác, tổng vốn đầu tư trên 13.580 tỷ đồng, 75 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư khoảng 158.400 tỷ đồng, những dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Phú Quốc hiện có trên 700 cơ sở lưu trú với hơn 20.000 phòng và 15 khu nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động, nhiều khu đô thị du lịch phức hợp khác đang dần hình thành đưa vào khai thác phục vụ du khách.”
Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh: Trên cơ sở phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, tỉnh tiếp tục thúc đẩy phát triển Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, triển khai thực hiện đề án thành lập thành phố Phú Quốc. Tỉnh tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho thành phố Phú Quốc, để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với 3 trụ cột chính: Công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển. Đồng thời, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Phú Quốc trong tình hình mới. Chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với giữ gìn quốc phòng - an ninh và giữa quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo.