Phát triển du lịch thể thao, tăng ưu thế trải nghiệm

Sau đại dịch COVID-19, con người chú ý hơn tới vấn đề sức khoẻ. Vì vây, du lịch thể thao đang trở thành xu hướng thu hút du khách mọi lứa tuổi, vì được trải nghiệm "kỳ nghỉ hai trong một": Vừa nghỉ dưỡng vừa rèn luyện sức khỏe.

Một xu hướng mới

Anh Lý Nhân (Hà Nội), nhà ở nội thành nhưng rất hào hứng tham gia các chương trình đạp xe ở công viên khu đô thị Ecopark. Sự trải nghiệm tại không gian xanh mang tới cho anh những cảm giác tươi mới. Anh chia sẻ: “Vừa đến điểm du lịch, vừa rèn luyện sức khoẻ và gắn kết mọi người khiến tôi thoải mái trong những ngày nghỉ”.

Từ góc độ đơn vị tổ chức, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc VietFoot Travel cho biết: Đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình du lịch thể thao đạp xe đạp như ngoại thành Hà Nội có tuyến Ba Vì, khám phá lịch sử tuyến nội thành – Đông Anh; Bát Tràng – công viên tại Ecopark… Ngoài ra, đơn vị còn mở rộng các chương trình đạp xe đến các địa phương như Ninh Bình, Lào Cai, Sơn La… mang tới những trải nghiệm cho khách hàng.

Chú thích ảnh
Đạp xe xuyên qua công viên tại khu đô thị Ecopark.
Chú thích ảnh
Vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa ngắm cảnh thư giãn.

Còn anh Chu Văn Cảnh (Hà Nội) mới đây đi du lịch tại Quảng Nam khá bất ngờ khi trong không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh, anh và gia đình lại “được bận rộn” với khá nhiều hoạt động thể thao. Rời khỏi chiếc xe ô tô địa hình sau một chặng đua đầy thử thách của cung đường đua ô tô mạo hiểm off-road Blue Beach Track tại khu nghỉ dưỡng Tui Bbue Nam Hoi An, anh Cảnh hào hứng: “Một trải nghiệm đáng nhớ. Lần đầu tôi được cầm lái ở địa hình cát lún và gập ghềnh như thế này. Phải tập trung cao độ cả về thần kinh, cơ bắp cũng như các kỹ năng lái xe, để vượt qua thử thách. Và tới khi về đích, cảm giác chiến thắng chính mình khiến tôi rất phấn khích. Môn thể thao này khiến kỳ nghỉ của tôi thêm thú vị”.

Cùng với đó, vợ và con anh Cảnh hào hứng tham gia đoàn xe đạp tới tận làng bích hoạ Tam Thanh, vừa để tham quan, vừa để không bị gián đoạn đam mê đạp xe của cậu út.

Ông Nguyễn Hồng Vinh – chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lái xe an toàn, hiện quản lý đường đua xe ô tô mạo hiểm off-road Blue Beach Track  nhận xét: "Trước kia, “khách Tây” với thời gian nghỉ dài hay tham gia các hoạt động thể thao, hơn là các đoàn khách Việt. Tuy nhiên, cùng với thời gian, xu hướng sống xanh, tích cực tham gia các hoạt động thể thao đã khiến nhiều du khách trong nước tìm kiếm các hoạt động cần vận động trong thời gian nghỉ dưỡng. Từ chỗ đi nghỉ chỉ là “nghỉ”, khách du lịch đang dịch chuyển sang hướng hoà mình vào không gian nơi địa phương nghỉ dưỡng với các trải nghiệm thể thao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết: Các phân tích từ các cuộc khảo sát khách hàng mới đây cho thấy, xu hướng du lịch thể thao đang là lựa chọn của nhiều du khách Việt Nam. Theo đó, không chỉ đi tham quan đơn thuần mà du khách muốn gia tăng sự trải nghiệm. Trong đó, các môn thể thao “quần chúng” được lựa chọn nhiều, như đạp xe, giải chạy, yoga…

Sự bắt tay giữa các doanh nghiệp

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch thể thao là loại hình du lịch liên quan đến trải nghiệm của khách du lịch. Du lịch thể thao là một trong những mảng phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch, ước tính có trị giá khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Sản phẩm du lịch thể thao bao gồm: vé xem hoặc vé trực tiếp tham dự giải thể thao kèm với các dịch vụ: vận chuyển, khách sạn, ẩm thực, tham quan… hoặc một tour thể thao trọn gói hay kỳ nghỉ thể thao.

Chú thích ảnh
Du lịch thể thao là một trong những mảng phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch. Ảnh: LVH

Du lịch thể thao không phải là sản phẩm mới nhưng theo xu hướng và nhận định của nhiều chuyên gia, nó sẽ được quan tâm và phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19 bởi ngoài các trải nghiệm du lịch thông thường du khách còn có được sức khỏe và,hoặc động lực để tập luyện thể thao.

Theo các chuyên gia về du lịch, thị trường Việt Nam bắt đầu khởi phát kinh doanh sản phẩm du lịch thể thao từ khoảng 5 - 7 năm trở lại đây. Điển hình là một số sản phẩm được thiết kế bán kèm các giải chạy phong trào như giải chạy địa hình và gần đây là các tour do nhiều doanh nghiệp du lịch tổ chức cho người Việt sang nước ngoài xem đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Bên cạnh những ưu điểm như thu hút số lượng khách lớn, sử dụng nhiều dịch vụ địa phương, du lịch thể thao còn có một ưu điểm nổi trội so với hình thức/sản phẩm du lịch khác, đó chính là việc xúc tiến điểm đến. Thông qua du lịch thể thao, nhiều địa phương ở Việt Nam có thêm hình ảnh điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong mắt du khách. Nhiều địa phương dành sự quan tâm và nguồn lực cho loại hình/sản phẩm du lịch này bởi lợi ích mà nó mang lại.

Cũng trong khoảng 5 năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ số lượng các câu lạc bộ và các giải thể thao phong trào của nhiều môn thể thao vốn trước đó chỉ thu hút giới chuyên nghiệp: golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, sup – kayak, bơi, yoga… Trong số đó, môn chạy bộ thu hút đông đảo số người tham gia. Đây là bộ môn nhận được sự quan tâm lớn bởi quy mô phát triển và khả năng liên kết khai thác rất lớn. Tính riêng chạy bộ phong trào, Việt Nam hiện có khoảng 40 giải marathon diễn ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng.

Theo thống kê của Tổng cục Thể dục Thể thao, cứ một người tham dự giải phong trào thường mang theo hai người nữa đi cổ vũ và cùng nhau đi du lịch tại điểm diễn ra sự kiện thể thao. Hiện tại, các công ty du lịch có thể tiếp cận cung cấp dịch vụ du lịch cho các vận động viên phong trào và người đi theo chủ yếu ở các môn golf và chạy bộ. Số còn lại chưa khai thác được mặc dù tiềm năng vẫn có như các giải đua kayak, xe đạp, bơi lội do số lượng giải không nhiều và thông tin truyền thông trước giải ít, tổ chức chưa chuyên nghiệp. Hầu hết các đơn vị tổ chức giải là các doanh nghiệp truyền thông, sự kiện, trong đó có cả công ty nước ngoài nhưng chỉ bán vé chạy (marathon) còn dịch vụ vé, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ du lịch khác đều do người tham gia tự đặt dịch vụ.

Công tác tổ chức đối với du lịch thể thao rất đặc thù bởi đây không đơn thuần là một tour chỉ lo hậu cần ăn, ngủ, nghỉ mà đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về tổ chức sự kiện và các môn thể thao được tổ chức. Thêm vào đó, việc phân phối vé sự kiện, hậu cần, tour kèm theo cũng phải khoa học và trên nền tảng công nghệ mới có thể vận hành trơn tru.

Du lịch thể thao là xu hướng và sẽ là một trong các sản phẩm chủ lực của Du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng để phát triển cần sự phối hợp của cơ quan quản lý, các địa phương, cơ sở dịch vụ cùng các bên liên quan. Hơn ai hết, các công ty du lịch cần chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao đặc thù cho mỗi phân khúc khách hàng và điểm đến, chủ động bắt tay với các doanh nghiệp sự kiện thể thao và các địa phương để có thêm một thị phần quan trọng của sản phẩm du lịch Việt Nam hậu COVID-19.

Bài, ảnh, clip: XL/Báo Tin tức
Du khách thăm Lăng Bác trong ngày 30/4-1/5 đều nhận được quà
Du khách thăm Lăng Bác trong ngày 30/4-1/5 đều nhận được quà

Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tặng quà cho du khách đến thăm Lăng Bác trong hai ngày 30/4 và 1/5, với tổng 80.000 suất quà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN