Năm du lịch quốc gia và Festival Huế 2012: Hứa hẹn nhiều chương trình hấp dẫn

Khai mạc năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Festival Huế 2012 hứa hẹn nhiều hoạt động lễ hội hấp dẫn, quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam. Đặc biệt là nghệ thuật Cung đình Huế và đặc trưng của các vùng di sản văn hóa của đất nước. Nhân dịp đầu xuân mới 2012, phóng viên báo Tin Tức Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Phan Tiến Dũng (ảnh), Giám đốc Sở VH,TT&DL Thừa Thiên - Huế về những nét mới của Festival Huế năm nay.

Xin ông khái quát đôi nét về Năm du lịch quốc gia và Festival Huế 2012?

Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với chủ đề Du lịch di sản. Vùng Bắc Trung bộ là nơi có nhiều di sản của thế giới, nhiều di sản, di tích quốc gia quan trọng và nhiều lễ hội độc đáo, phong phú. Chính vì vậy thời gian tổ chức các hoạt động diễn ra vào nhiều thời điểm trong năm, trong đó cao điểm là tháng 1, 2 và 4, tức là Lễ hội đầu Xuân, Festival Huế 2012, tháng 6, 7 là mùa du lịch hè ở khu vực miền Trung trên nhiều bãi biển xinh đẹp.

Các chương trình năm du lịch quốc gia sẽ do Bộ VH,TT&DL chỉ đạo hoặc phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương tổ chức với 11 chương trình chính. Đó là Duyên dáng Việt Nam năm 2012, Giải Việt dã Báo Tiền Phong, Chương trình doanh nhân Việt Nam với di sản văn hóa dân tộc lần thứ nhất, Liên hoan Ẩm thực miền Trung, Chương trình Sao Mai điểm hẹn 2012, Liên hoan Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, Giải Cờ vua quốc tế Đông Nam Á, Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, Giải Võ cổ truyền toàn quốc, Giải Quần vợt quốc tế U18 và Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động do Thừa Thiên - Huế tổ chức như: Chương trình khởi động Năm du lịch quốc gia, Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia và Festival Huế 2012 từ 7-15/4. Cùng với lễ khai mạc còn có các hoạt động phong phú, giao lưu quốc tế và nhiều hội thảo khoa học như hội thảo tiềm năng và hướng phát triển du lịch Bắc Trung bộ, các hoạt động văn hóa dân gian ở các thị xã, thị trấn thuộc Thừa Thiên - Huế. Tiếp nữa là Lễ hội Phật đản và Lễ hội Hoa đăng Huế được tổ chức vào tháng 5, Chương trình khám phá biển – đầm phá của Thừa Thiên - Huế. Chuỗi các hoạt động về biển như Festival biển với chủ đề “Về với biển Huế” được tổ chức tại thị trấn Thuận An. Đây cũng là điểm nhấn của Thừa Thiên - Huế khi tỉnh có tới 22.000 ha đầm phá, lớn nhất vùng Đông Nam Á. Các chương trình lễ hội ở Vịnh Lăng Cô.

Khách du lịch thăm Đại nội Huế. Ảnh: Lê Phú


Thưa ông! Festival Huế 2012 có gì mới so với những kỳ Festival trước?

Điểm đặc trưng nhất của Festival lần này là việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, cho nên các loại hình nghệ thuật là một trong những điểm nhấn để Huế giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Để làm việc này trong các lễ hội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế đã huy động các nhà khoa học, các chuyên gia xây dựng kịch bản, đưa các lễ hội này đảm bảo tính chân xác. Cái nào giữ được nét truyền thống chân xác, cái đó sẽ lâu bền trong quá trình tồn tại và phát triển.

Tiếp nữa là phải đưa những lễ hội này trở thành những sản phẩm du lịch. Qua kinh nghiệm của các địa phương khác tổ chức năm du lịch quốc gia thì các lễ hội chưa trở thành sản phẩm du lịch mà mới chỉ dừng lại ở khía cạnh biểu diễn. Trong quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Festival Huế 2012 là phải làm sao đưa các lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch. Đây là một nét mới mà ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đang hướng đến và khai thác ở mọi khía cạnh với chiến lược lâu dài.

Huế hiện có trên 300 khách sạn và nhà nghỉ với khoảng 20.000 chỗ ở nên có thể đáp ứng được nhu cầu ăn, ở của khách du lịch khi đến Huế tham dự Festival Huế 2012.

Huế là một di sản của thế giới, hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch đến Huế. Vậy công tác bảo tổn được đặt ra như thế nào để di sản không bị mai một?

Quan điểm của Thừa Thiên - Huế là chú trọng về du lịch chất lượng hơn là du lịch số đông. Chính vì vậy, bên cạnh công tác quảng bá du lịch tới du khách trong nước, chúng tôi còn quảng bá ở những thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao. Từ đó nó sẽ tác động tích cực cho hoạt động du lịch của tỉnh.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa, Huế đã lựa chọn những yếu tố tiêu biểu nhất, có giá trị phục vụ xã hội kịp thời nhất thì đưa lên bảo tồn trước. Còn những cái chưa có điều kiện để nghiên cứu bảo tồn thì chúng tôi tiến hành sau. Đây là yếu tố phù hợp với yêu cầu xã hội và đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trên địa bàn.

Thưa ông! Festival năm nay dự định sẽ có bao nhiêu nghệ sĩ tham gia?

Năm nay Festival Huế sẽ thu hút khoảng 2.500-3.000 nghệ sĩ trong nước và nước ngoài tham gia. Lượng khách đến tham quan và tham dự lễ hội trên 300.000 người, tăng khoảng 20-25% so với năm trước. Điều đó chứng tỏ rằng du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Thừa Thiên - Huế. Bởi vì hiện nay dịch vụ và du lịch của Huế đang chiếm 45% trong tổng sản phẩm GDP toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 dịch vụ và du lịch của Huế sẽ chiếm khoảng 50%. Đây là con số cao nhất cả nước, thể hiện việc phát huy giá trị di sản, văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn (thực hiện) 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN