Thiếu hụt 11.000 lao động
Lướt qua fanpage của các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn của Lào Cai, dễ dàng nhận thấy các tin tuyển dụng nhân sự luôn được ghim lên đầu trang. Việc thiếu các vị trí nhân viên như: lễ tân, buồng phòng, pha chế, kỹ thuật, phục vụ nhà hàng... hiện là tình trạng phổ biến của nhiều khách sạn trên địa bàn tỉnh.
Khách sạn 5 sao quốc tế Hotel de la Coupole - MGallery tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa có nhu cầu lớn về nhân lực với gần 300 người. Hiện khách sạn vẫn thiếu nhân viên tại các bộ phận: lễ tân, nhà hàng, buồng phòng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Peter Neto, Tổng quản lý Hotel de la Coupole - MGallery, có nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân lực cho khách sạn. Về năng lực, nhân lực địa phương hiện còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Số đông không thể giao tiếp bằng tiếng Anh. "Nguồn nhân lực địa phương thường không có kế hoạch, định hướng công việc lâu dài. Họ xin việc chỉ để làm tạm thời gian ngắn, đến vụ mùa, họ sẵn sàng nghỉ việc để ở nhà làm công việc đồng áng", ông Peter Neto nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Trần Sơn Bình cho biết, không chỉ thiếu nhân lực phục vụ lưu trú, một số dịch vụ du lịch, loại hình du lịch mới tại Lào Cai cũng đang thiếu nhân lực để vận hành như: Du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sự kiện (MICE)...
Tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực du lịch của Lào Cai giai đoạn 2016 - 2019 đạt tới 42,2%/năm với 32.000 lao động du lịch trong năm 2019. Tuy nhiên, sau 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, tại Lào Cai có tới 20.000 người (chiếm hơn 60% số lao động trong lĩnh vực này) bị mất việc làm. Nếu so sánh với thời điểm 2019, hiện ngành du lịch Lào Cai đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng (khoảng 11.000 lao động). Toàn tỉnh chỉ còn khoảng 8.000 lao động trực tiếp và 13.000 lao động gián tiếp trong lĩnh vực này.
Theo Sở Du lịch Lào Cai, 3 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách đến địa phương ước đạt 2 triệu lượt, bằng 33% so với kế hoạch năm 2023, tăng hơn 3 lần so với lũy kế cùng kỳ năm 2022. Khi làn sóng du khách ngày càng tăng cao, việc thiếu nguồn nhân lực đe dọa tạo ra “lỗ hổng” lớn trong ngành du lịch Lào Cai. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến một số địa bàn dù tăng trưởng “nóng” về lượng khách nhưng chất lượng dịch vụ kém đi và không ổn định, ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm của du khách.
Ba "nhà" đồng thời vào cuộc
Để ngành Du lịch Lào Cai tăng sức cạnh tranh với các thị trường khác, "điểm nghẽn" lớn về nhân lực cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Trước thực trạng này, Lào Cai đang ghi nhận sự đổi mới linh hoạt và phối hợp tích cực của ba nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng.
Mỗi năm, Trường Cao đẳng Lào Cai đào tạo khoảng trên 1.000 học sinh, sinh viên trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, nhà trường cũng đào tạo những chuyên đề ngắn hạn để cung cấp nguồn lao động trực tiếp cho các địa phương.
Dù mới là sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Lào Cai, song Đặng Yến Nhi đã được thực tập tại Hotel de la Coupole - MGallery. Nhi cho biết đây là cơ hội rất tốt để em cùng các bạn được trải nghiệm trong một môi trường làm việc thực tế và chuẩn hóa nhất. Hiện, có 40 sinh viên ngành du lịch của Trường Cao đẳng Lào Cai và Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đang thực tập tại khách sạn 5 sao này.
Nói về chủ trương phối hợp, ông Peter Neto, Tổng quản lý Hotel de la Coupole - MGallery cho biết, chương trình đào tạo tại các cơ sở, trường học nên bám sát thực tế hơn, không chỉ hạn hẹp trong lớp học. Các trường nên gửi sinh viên của mình tới thực tập ở các khách sạn tiêu chuẩn nhiều hơn, thời gian thực tập dài hơn và thường xuyên hơn bởi đào tạo định hướng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho sinh viên một bức tranh tổng quan về công việc trong ngành dịch vụ và giúp các em hiểu rõ về hành trình phát triển sự nghiệp của mình trong ngành này.
"Trên thực tế, so với quy mô và nhu cầu lao động trong lĩnh vực du lịch của Lào Cai thì khả năng của trường chưa đáp ứng được hết kể cả về số lượng cũng như chất lượng trong một số lĩnh vực mà Lào Cai đang thiếu như quản lý cấp cao và cấp trung. Đây cũng là nội dung mà trong thời gian tới, trường sẽ phải tập trung nâng cao, phát triển hơn", ông Phạm Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai chia sẻ.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai, trường xác định trong thời gian tới tiếp tục mở rộng quy mô ngành nghề lĩnh vực đào tạo và hình thức phương thức đào tạo để đa dạng nguồn nhân lực, các cấp trình độ và loại hình cho ngành du lịch.
Ngoài ra, trong bối cảnh tuyển dụng nhân lực gặp khó, việc phát triển khách sạn thông minh với các dịch vụ đi kèm được số hóa cũng là một giải pháp được ngành du lịch Lào Cai ưu tiên khuyến khích thực hiện và trên thực tế đang được du khách đón nhận nhiệt tình.
Khách sạn thông minh Soju Lào Cai nằm ở vị trí đắc địa của trung tâm thành phố Lào Cai với 134 phòng nhưng chỉ cần tới 30 cán bộ, nhân viên thay vì tới trên 80 người như mô hình khách sạn truyền thống. Bằng việc cung cấp các dịch vụ thông minh qua ứng dụng điện thoại, khách không cần nhân viên lễ tân, phục vụ nhà hàng để thực hiện thủ tục check-in hay nhận phòng, gửi đồ, đặt món... "Việc này giúp tiết giảm tối đa chi phí nhân sự mà vẫn mang đến trải nghiệm thoải mái, tiện ích, đảm bảo an toàn bảo mật cho du khách", Giám đốc Khách sạn Soju Lào Cai Phạm Quang Huy cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Trần Sơn Bình, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 10 triệu lượt khách, tạo ra 44.000 việc làm với 22.000 lao động trực tiếp và 22.000 lao động gián tiếp. Như vậy, từ nay đến năm 2025, mỗi năm ngành Du lịch Lào Cai cần thu hút khoảng gần 8.000 lao động
Để đạt mục tiêu này, trong năm 2023, Sở Du lịch Lào Cai phối hợp với Tổng Cục Du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các địa phương… tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên, các cán bộ quản lý và nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực du lịch tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Địa phương cũng xác định tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến thành lập trung tâm đào tạo nghề ngắn hạn dành cho lao động là người dân tộc thiểu số của địa phương để dễ dàng tiếp cận với các kỹ năng nghề... "Ngoài ra, Lào Cai mong muốn Chính phủ có chính sách riêng hỗ trợ ưu tiên đào tạo kỹ năng các nghề du lịch mà phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình", Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai bày tỏ.