Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế; các chuyên gia cũng như các cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoài nước.
Liên kết phát triển du lịch bền vững
Diễn đàn nằm trong chuỗi liên kết vùng do UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất, nhằm kết nối du lịch giữa Vùng du lịch Bắc Trung Bộ với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương; tạo cơ sở tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần kích cầu thị trường du lịch; từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định: Để hoạt động du lịch được phục hồi bền vững, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, toàn diện trong quan hệ hợp tác giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, trong đó tỉnh Nghệ An đóng vai trò là trung tâm kết nối du lịch vùng Bắc Trung Bộ, nhằm thu hút khách du lịch đến vùng Bắc Trung Bộ. Bên cạnh việc liên kết nội vùng, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng rcần liên kết hợp tác phát triển du lịch với những địa phương trọng điểm là trung tâm du lịch của cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế cạnh tranh, kêu gọi các nguồn lực đầu tư, thu hút du khách đến với địa phương.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch bền vững và kích cầu du lịch nội địa giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ; ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết giai đoạn 2022 - 2023; thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.
Việc liên kết du lịch của các địa phương trong vùng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực phát triển năng lực, nội lực của từng địa phương, từ đó tạo nên sức mạnh lớn của chuỗi liên kết du lịch vùng. Vì vậy, để phát huy nội lực vùng và thu hút đầu tư để đưa du lịch thành động lực tăng trưởng kinh tế, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Trương Đức Hùng nêu ý kiến: Trên cơ sở hình thành, phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương, cần đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong vùng để tạo thành các cụm sản phẩm mạnh, tạo thành điểm đến liên vùng, các sản phẩm chuyên đề, như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển; liên kết các ngành như đường sắt, hàng không, nông nghiệp, thủy sản… để tạo ra các gói sản phẩm chung hấp dẫn. Đồng thời cần có chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch của vùng như hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao, đồng bộ như cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí- thể thao, phương tiện vận chuyển, các cơ sở dịch vụ du lịch khác.
Ông Trương Đức Hùng cũng đề nghị cần có chương trình đào tạo thống nhất, đồng bộ tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý các địa phương; đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động trong ngành du lịch, nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng, nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng dịch vụ; tiếp tục hoàn thiện các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sản phẩm du lịch hấp dẫn luôn là yếu tố then chốt trong việc tạo dấu ấn và thu hút khách du lịch. Bởi vậy, vai trò của địa phương cũng như doanh nghiệp chính là xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết vùng để sản phẩm đó vừa có tính thống nhất chung lại vừa giữ được bản sắc riêng của từng địa phương. Song song đó việc quảng bá điểm đến và hợp tác với các công ty lữ hành, các hãng hàng không để cung cấp cho du khách các gói du lịch cũng cần được đẩy mạnh trên mọi nền tảng truyền thông.
Phát triển sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm hiện có
Năm 2022, mục tiêu Việt Nam đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; 60 triệu khách nội địa, tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng. Toàn ngành Du lịch xác định các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này sẽ bao gồm: Phát triển sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm hiện có phù hợp với yêu cầu của thị trường, triển khai các biện pháp kích cầu du lịch, tập trung nguồn lực vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng liên kết, hợp tác với các địa phương trong cụm, vùng, giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, đối tác; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ trong du lịch, chú trọng thu hút đầu tư cho du lịch.
Đánh giá cao tinh thần chủ động triển khai, mở rộng liên kết giữa các địa phương vùng Bắc Trung Bộ với hai trọng điểm du lịch, đầu mối phân phối khách lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể du lịch Bắc Trung Bộ đã định hướng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là tập trung phát triển du lịch tham quan nghiên cứu di sản thế giới và văn hóa - lịch sử; liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế là nội dung quan trọng, xuyên suốt đối với phát triển du lịch Bắc Trung Bộ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương trong liên kết cần chú trọng việc xây dựng nội dung phối hợp cụ thể, căn cứ từ tiềm năng, tài nguyên du lịch để định vị sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng nhằm tạo sức hút, ấn tượng về vùng Bắc Trung Bộ đối với du khách; cùng đó nghiên cứu xây dựng hình ảnh chung để quảng bá bản sắc, thương hiệu riêng có của vùng; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển để tăng cường năng lực bộ máy, hoạt động xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng cùng với Tổng cục Du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và của vùng hướng tới các thị trường khách quốc tế mục tiêu cần khai thác.
Các địa phương cũng cần tăng cường liên kết ứng dụng khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng; nghiên cứu, áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các doanh nghiệp du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ; ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm cũng như xúc tiến, quảng bá du lịch.
Liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ với hai trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không chỉ nhằm trao đổi nguồn khách, còn đòi hỏi các địa phương cần tạo ra sức hút đầu tư thông qua những cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, góp phần thay đổi diện mạo và từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất du lịch cho toàn vùng.
Đại dịch COVID-19 làm thay đổi, dịch chuyển lao động của ngành du lịch. Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phát triển, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lưu ý các địa phương cần đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch thật tốt. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra cần phát huy vai trò kết nối của các Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong hoạt động liên kết phát triển du lịch, liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, từ đó hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại Diễn đàn, Báo Người Lao động phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức trao tặng 60.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” cho ngư dân 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.