Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức ký kết 9 chương trình hợp tác, phát triển du lịch với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ năm 2017 đến nay, sau khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đi vào hoạt động, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch các địa phương rất hiệu quả như: Chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, “Sắc màu Sơn La Tây Bắc”, “Ngày văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội”, “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”, Ngày Văn hóa Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội, Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang tại Hà Nội…
Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội và các địa phương đã hợp tác xây dựng được những sản phẩm, tour du lịch mới như: Chương trình du lịch kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình; tour “Hành trình qua các Kinh đô Việt cổ” Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình - Phú Thọ - Hà Nội...
Thông qua các hoạt động, liên kết hợp tác đã góp phần tăng trưởng lượng khách đến Hà Nội. Trong giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng bình quân 10,1%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế có mức tăng bình quân 21,2%/năm. Năm 2019, Hà Nội đã đón 28,945 triệu lượt khách, trong đó có 7,025 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch có mức tăng bình quân đạt 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Trần Trung Hiếu thừa nhận, hiệu quả của hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch còn chưa xứng với tiềm năng liên kết vùng giữa các địa phương. Có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động liên kết du lịch thời gian qua, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng: Liên kết là xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, nhiều hoạt động liên kết còn nặng tính hình thức. Do đó, để khôi phục hoạt động du lịch cần tạo sản phẩm đặc trưng tùng vùng để thu hút khách sau dịch COVID-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, trong giai đoạn khó khăn hiện tại, hoạt động quảng bá điểm đến cần phải được đẩy mạnh tạo thành chuỗi điểm đến cho du khách. Lúc này, muốn đi xa phải đi cùng nhau, bởi bản chất của du lịch là hoạt động của tour, tuyến, nếu không hợp tác sẽ rất khó phát triển.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường nêu quan điểm, các địa phương cần “ngồi lại” với nhau để bàn về những sản phẩm đặc trưng của từng vùng. “Mỗi địa phương nên có sản phẩm riêng, tránh việc cạnh tranh sản phẩm dẫn đến sự na ná giống nhau. Để làm được điều này, cần phải có cơ chế chính sách phối hợp để điều chỉnh sao cho phù hợp.
Về chính sách quản lý Nhà nước trong việc tạo hiệu quả liên kết du lịch giữa các địa phương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng đinh, chính sách phối hợp chủ yếu vẫn do các địa phương quyết định. Trong bối cảnh ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn, các địa phương cần phải có giải pháp để kích cầu du lịch nội địa, linh hoạt hơn trong các hoạt động liên kết, hợp tác.
“Để liên kết, hợp tác phát triển du lịch hiệu quả thì quan trọng nhất vẫn làm làm sao để các doanh nghiệp tìm được sản phẩm du lịch phù hợp, giá cả cụ thể. Do đó, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc sử dụng nền tảng công nghệ số, nên có những ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh trên cùng nền tảng thì sẽ dễ dàng kết nối hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay.