Liên kết du lịch vùng: Hiệu quả chưa cao

Trong khoảng 2 năm lại đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền đã được chú trọng. Một loạt hội thảo, văn bản ký kết hợp tác giữa các tỉnh trong các vùng đã được triển khai. Hoạt động liên kết này nhằm phát huy lợi thế của các địa phương, vùng miền, mang đến những sản phẩm và chất lượng du lịch tốt nhất. Tuy nhiên, sau gần một năm nhìn lại, phương thức hoạt động này vẫn mang nặng tính hình thức, chưa đạt được những hiệu quả thật sự...

Các tỉnh bắt tay nhau

Chương trình liên kết được coi là dài nhất là “Du lịch về cội nguồn” giữa ba tỉnh Lào Cai- Yên Bái- Phú Thọ, diễn ra 6 năm liên tục, và các tỉnh luân phiên nhau làm nhóm trưởng. Việc làm nổi bật nhất của chương trình liên kết này là xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến du lịch. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành đánh giá, trong các lĩnh vực liên kết vùng, “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh được đánh giá là khả quan nhất. Hiện “Du lịch về cội nguồn” đã được mở rộng ra thành 8 tỉnh khu vực Tây Bắc, với "tham vọng" xây dựng dự án “Cung đường Tây Bắc”, do tổ chức phát triển Hà Lan trợ giúp, với các hợp phần về đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm mới.

Xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) là điểm đến của khách du lịch quốc tế trong chương trình “Du lịch về cội nguồn 2011”. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


“Tùy thuộc vào lợi thế từng vùng, việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương sẽ tạo thành khu vực du lịch mạnh về địa điểm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Đây là việc làm không mới đối với nhiều nước trên thế giới”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, “thông qua việc liên kết du lịch giữa các địa phương sẽ cắt giảm được giá tour và du khách có nhiều cơ hội trong việc chọn địa điểm, các dịch vụ phù hợp. Điều này có thể thấy rõ sự liên kết sản phẩm du lịch giữa Pháp - Thụy Sĩ; vùng biên giới Pháp- Đức…".

Từ cuối năm 2009 và trong suốt năm 2010, khi du lịch bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; du lịch nội địa được coi trọng, một loạt hội thảo và những biên bản liên kết phát triển du lịch đã được ký kết như: Hội thảo liên kết Tây Nguyên và Nam Trung bộ (đầu năm 2010); Hội thảo liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (giữa năm 2010). Cuối năm 2010, khu vực Việt Bắc có triển khai liên kết, ký kết phát triển du lịch “Về nguồn Việt Bắc” gồm sáu tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Cũng khoảng thời gian này, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Bình Thuận cũng ký hợp tác xây dựng sản phẩm, quảng bá và đầu tư để phát triển tam giác du lịch của vùng. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng ký kết hợp tác giữa hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước trong việc hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá; đào tạo nhân lực… Chính vì vậy, năm 2010 được nhìn nhận như là năm khởi động lại hoặc làm mới sự bắt tay nhau giữa các địa phương trong cụm hoặc khu vực về liên kết du lịch.

Nặng tính hình thức

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sự liên kết mới chỉ là giữa các cơ quan chức năng với nhau. Không ít doanh nghiệp không biết đến chủ trương này của các tỉnh mà chỉ biết thông tin qua báo chí. “Chúng tôi vẫn phải tự mình bươn chải như tự tìm đến từng địa điểm, chỗ ăn ở để khảo sát, tự tìm đối tác tại các điểm du lịch để tạo sản phẩm du lịch cho riêng mình”, đại diện CLB lữ hành Hà Nội cho biết. Còn bản thân du khách, khi đến các điểm du lịch này vào mùa cao điểm, do thông tin hạn chế, nên vẫn bị chặt chém khi sử dụng các dịch vụ đi kèm… Tại Hội thảo liên kết du lịch Quảng Ninh - Hải Phòng cuối năm 2010, ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết: 10 năm trước, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã bắt tay ký liên kết phát triển du lịch. Đã có một vài cuộc hội thảo nhằm đưa ra những ý tưởng, kế hoạch chung, thậm chí đã hình thành cả quy hoạch nhưng sau đó mạnh ai nấy làm và mọi ý tưởng đều trên “bàn giấy”. Giá cả các dịch vụ du lịch cũng mỗi nơi một kiểu và chênh lệch nhau quá lớn.

Ngay như liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ được coi như là hình mẫu về sự thành công nhưng đi vào chi tiết thì sản phẩm du lịch vẫn là mạnh ai người đó làm nên sự liên kết giữa 3 tỉnh chưa thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch. Đại diện các tỉnh này cũng thừa nhận, dù đã xác định sản phẩm chính là “du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử” nhưng chưa xây dựng được các tour liên kết giữa 3 tỉnh; nhiều hoạt động văn hóa (các lễ hội, văn nghệ làng bản) còn tách rời, chưa khai thác thành các sản phẩm du lịch đặc trưng; các điểm dừng chân (ăn nghỉ, giải khát, mua sắm hàng lưu niệm) trên hành trình đi qua 3 tỉnh chưa được quy hoạch, đầu tư nên chưa kích thích khách chi tiêu nhiều.

Ông Phạm Trung Lương phân tích: “Trong mỗi một giai đoạn phát triển du lịch, nhiều đề án liên kết được lập ra, nhưng có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào chi tiết từng hoạt động và nhận thức của người lãnh đạo địa phương về vấn đề liên kết để phát triển. Hiện các địa phương đều có quy hoạch định hướng phát triển du lịch nhưng vẫn mang tính mạnh ai nấy làm. Sự liên kết cần những nỗ lực chung và quyết tâm từ các địa phương, có sự vào cuộc của doanh nghiệp, chứ không phải là những lời hứa suông”...

Ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc Công ty lữ hành Thăng Long: Tại Thái Lan, các địa điểm du lịch nhà vườn khu miền đông dù nằm trải dài, nhưng để hút khách theo tour, du khách mua vé cùng lúc (trọn gói) sẽ được giảm giá khá nhiều. Liên kết là một xu thế tất yếu trong hoạt động du lịch để có sự hỗ trợ dịch vụ, để từ đó giảm giá thành, tăng lượng khách ổn định. Trong hợp tác du lịch, chúng ta có thể liên kết nối tour từ Malaixia hoặc Thái Lan sang Việt Nam. Có như vậy mới tăng được lượng khách đến Việt Nam. Còn khi khách đã sang Việt Nam, việc nối tour sang các điểm du lịch lân cận sẽ tăng thời gian lưu trú tại Việt Nam. Thực tế ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn tự mày mò tìm các điểm du lịch mới để tạo sản phẩm mới để giới thiệu với khách. Còn sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước là rất ít.

Đại diện Sở VH,TT&DL Lào Cai: Thực tế liên kết du lịch giữa các tỉnh hiện nay mới chỉ dựa trên yếu tố địa lý, ví dụ như các tỉnh cùng dọc tuyến quốc lộ. Ở cấp nhà nước mới dừng lại chủ yếu là hỗ trợ xúc tiến quảng bá, đào tạo. Để hút khách đến với 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, chúng tôi sẽ phát triển sản phẩm ruộng bậc thang dọc theo tuyến đường 32 từ Phú Thọ - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải (Yên Bái) - Sa Pa (Lào Cai) - Nguyên Dương (Trung Quốc) để khai thác tour du lịch khám phá và thăm ruộng bậc thang.

Xuân Cường

Du khách chưa thấy được hiệu quả của liên kết du lịch
Du khách chưa thấy được hiệu quả của liên kết du lịch

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Khánh Hòa về sự liên kết du lịch trong vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN