Nhiều năm nay, ngôi nhà ông Lê Hữu Phước (thường gọi là Ba Phúc, 58 tuổi) tại ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách là một trong những "địa chỉ vàng" của du lịch sinh thái Bến Tre. Khi đến đây, du khách sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản từ nghề nuôi ong, tham quan vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả và được đích thân chủ nhà đưa đón, phục vụ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã đưa ngôi nhà này vào danh sách những điểm đến hấp dẫn của tour du lịch sinh thái Cái Mơn.
Những cánh đồng hoa, cây cảnh Cái Mơn luôn thu hút khách du lịch tới tham quan. Ảnh: Hưng Thịnh |
Sau mười bảy năm nuôi ong lấy mật, ông Ba Phúc đã chuyển giao toàn bộ “gia tài” cho người con trai Lê Tấn Đức, “về hưu”, sống an nhàn bằng nghề làm du lịch.
Làm giàu từ ong
Ông Ba Phúc kể, mình là một trong những người đầu tiên nuôi ong quy mô lớn tại huyện Chợ Lách, nơi được mệnh danh là vương quốc hoa kiểng, cây trái của tỉnh Bến Tre. Đây là nơi đất phù sa màu mỡ, nước ngọt quanh năm nên hoa thơm quả ngọt bốn mùa. Nhờ vậy, nghề nuôi ong dễ dàng phát triển. “Người nuôi ong cần những vườn cây ăn trái, những cánh đồng hoa để ong tìm mật. Còn nông dân trồng cây, trồng hoa thì cần ong để thụ phấn, thành ra đôi bên đều có lợi”, ông Ba Phúc cho biết.
Gần hai mươi năm trong nghề nuôi ong, ông Ba Phúc chia sẻ, ông cũng đã nhiều lần trúng lớn, nhiều lần thất bại nặng nề do những rủi ro không lường trước được. Ông đã nuôi qua nhiều loại ong, từ ong nội địa cho đến một số loại ong ngoại nhập mà người dân địa phương gọi tên là ong Ý, ong Áo, ong Pháp... Ông cho biết, chất lượng mật thu hoạch từ các loại ong trên chênh lệch không đáng kể. Cái chính vẫn là kinh nghiệm của người nuôi, từ việc chăm sóc, chọn thời điểm thu hoạch đến chọn các loại hoa để ong tìm mật.
Hiện gia đình ông Ba Phúc có hơn 500 thùng ong mật, sản lượng hàng năm khoảng 7 tấn. Nhờ những vườn cây, vườn hoa của quê hương xứ sở, mật ong của ông Ba Phúc luôn được khách hàng ưa chuộng. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm ông thu được khoảng 100 triệu đồng. Ông kể: Ban đầu vào nghề cứ tưởng nghề này là hên xui may rủi nhưng sau gắn bó mới nhận ra cái chính vẫn là “mình”. Ông chia sẻ, điều quan trọng nhất đối với nghề nuôi ong lấy mật là phải di chuyển đàn để tránh thời điểm người dân phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây, nếu không thì chất lượng mật sẽ bị ảnh hưởng, ong sẽ suy yếu, bệnh tật, thậm chí chết hàng loạt.
Quảng bá nét đẹp quê hương
Tâm sự về cơ duyên khiến mình làm du lịch, ông Ba Phúc cho biết do nhà ông ở bên cạnh khu du lịch sinh thái Ba Ngói, một điểm du lịch sinh thái rất nổi tiếng tại Bến Tre. Có lần du khách tham quan khu du lịch này, phát hiện trong vườn nhà Ba Phúc có hàng trăm thùng ong mật. Nhiều người tò mò sang tham quan, hỏi thăm. Với bản tính hiếu khách của người dân Nam Bộ, ông Ba Phúc mời khách tham quan vườn, xem ong mật, rồi mời uống trà mật ong, rượu mật ong do chính tay ông làm. “Nhiều du khách thích thú rồi truyền tai nhau thành ra ngày nào nhà tôi cũng có khách tham quan. Sau mới có người gợi ý tôi làm du lịch. Ban đầu mình cũng từ chối vì không biết thế nào, nhưng sau cũng “chơi” luôn”, ông chia sẻ.
Hiện mỗi ngày nhà ông Ba Phúc tiếp khoảng 100 khách. Ông sắm một chiếc ghe chở khách tham quan vườn trái cây. Rồi mời họ thưởng thức các loại đặc sản trong vườn. Ông tâm sự: “Tôi làm việc này vì ham vui. Nhiều lúc cũng thích thú vì được quảng bá những nét đẹp về sinh hoạt, văn hóa của người dân xứ mình. Nhất là những khi khách trầm trồ ngạc nhiên, thích thú với những nét độc đáo mà bình dị trong sinh hoạt của người dân miền sông nước. Thêm nữa, mình bán được mật và các sản phẩm từ ong như phấn hoa, sữa ong chúa nên cũng kiếm thêm kha khá thu nhập cho gia đình”. Ông Ba Phúc tự hào khoe, nhờ tiếp xúc nhiều với người nước ngoài nên ông đã “thông thạo” những câu giao tiếp thông thường bằng nhiều thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc… để làm hướng dẫn viên, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách về quê hương xứ sở Bến Tre.
Hưng Thịnh